Bệnh thấp tim là bệnh viêm của mô liên kết, xảy ra sau viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da... trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất.
Đi khám định kỳ là cách phòng bệnh thấp tim cho trẻ em hiệu quả nhất |
Thấp tim là bệnh toàn thân
Bệnh thấp tim thường gặp ở độ tuổi từ 5-15. Bệnh thường bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm loại vi khuẩn có tên là: Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Đặc biệt là sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Các biểu hiện thấp tim xuất hiện sau 2-4 tuần nhiễm liên cầu. Dấu hiệu ban đầu của thấp tim là trẻ thường sốt từ 38 - 40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Cũng có trường hợp triệu chứng chỉ thoáng qua không gây khó chịu gì đối với trẻ nhưng sau đó khoảng 1-5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp.
Biểu hiện ở khớp: Điển hình là đau viêm sưng nóng đỏ ở một số khớp. Cảm giác đau “chạy” từ khớp này sang khớp khác. Khớp bị sưng, đau, nóng đỏ thường là các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay làm cho người bệnh đi lại và cử động rất khó khăn; ít khi thấy sưng đau ở các khớp cột sống hoặc khớp ngón tay, ngón chân. Khi khớp sau bị sưng đau thì các khớp bị sưng đau trước đó lại khỏi và trở lại hoạt động bình thường. Những biểu hiện ở khớp của người bệnh thấp tim thường rất dữ dội. Chính vì biểu hiện ở khớp ồn ào như vậy nên đã có thời gian khá dài bệnh được mang tên là bệnh “thấp khớp cấp”. Tuy nhiên, khi người bệnh cảm thấy đau khớp thì cũng là lúc bệnh tấn công tim khá dữ dội. Vì vậy, ngay khi người bệnh có cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim) làm cho người bệnh mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở.
Biểu hiện ở thần kinh: Biểu hiện thần kinh là triệu chứng muộn của thấp tim, xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu, đó là các vận động nhanh, không tự chủ, không định hướng, không mục đích, tăng lên khi xúc động, mất đi khi ngủ. Những biểu hiện trên hệ thần kinh là biểu hiện của thể thấp tim rất đặc biệt, biểu hiện lúc đầu có thể trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi, viết xấu...
Biểu hiện ở da: Các biểu hiện ở da trong bệnh thấp tim hiếm gặp, có thể có các hạt Meynet là những hạt cứng, đường kính từ 0,5-2cm dưới da, không dính vào da mà dính vào nền xương, vị trí thường gặp ở đầu gối, ấn không đau; Hoặc có các ban màu hồng hay vàng nhạt, đường kính 1-3cm, hình tròn, có bờ viền cao hơn mặt da, vị trí thường ở thân mình, gốc chi, không bao giờ ở mặt. Các hạt Meynet và ban vòng đỏ tồn tại một vài ngày đến một vài tuần rồi biến mất.
Lưu ý: Bệnh thấp tim sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị đúng lúc, đúng phác đồ. Khi đó, bệnh sẽ gây ra những tổn thương van động mạch chủ và dẫn đến suy tim sau thời gian dài, gây tổn thương đến não, thận...
Bệnh thấp tim có thể phòng ngừa được không?
Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng là bệnh có thể phòng ngừa bằng thực hiện lối sống và sinh hoạt như: giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để. Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5-15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim hoặc có biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị phòng bệnh thấp tim ngay.
Có trường hợp cần tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim cho trẻ theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.
Dùng liệu pháp kháng sinh để tiêm phòng cho những bệnh nhân đã từng bị mắc bệnh thấp khớp hay thấp tim. Thuốc có thể dùng là penicillin. Cần phải uống thuốc để dự phòng liên tục trong suốt thời kỳ thiếu niên. Những trẻ từng mắc bệnh thấp tim và có di chứng hẹp hở van tim phải giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn để phòng ngừa nhiễm khuẩn răng có thể dẫn tới nhiễm khuẩn máu và nội mạc tim. Khi nhổ răng hoặc phải làm thủ thuật hay phẫu thuật, phải thông báo cho bác sĩ biết có bệnh tim để được cho kháng sinh dự phòng trước. Cho đến nay, chưa có vắc-xin chống liên cầu. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và nặng lên nhiều.