Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. bên cạnh những khó khăn, thách thức,  thì tuyến y tế cơ sở đã và đang phát huy tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống tốt các loại dịch bệnh.

Tình hình Y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian qua, ngành Y tế tập trung sắp xếp lại mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo tinh gọn và hiệu quả. Tại tuyến huyện, 05/08 huyện, thành phố đã sáp nhập trung tâm Y tế huyện một chức năng và bệnh viện Đa khoa huyện thành trung tâm Y tế hai chức năng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 06 trung tâm Y tế hai chức năng, 02 trung tâm Y tế huyện một chức năng, 02 bệnh viện Đa khoa huyện hạng II; 11 phòng khám Đa khoa khu vực với quy mô giường bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện là 1.255 giường (trong đó có 435 giường bệnh tự chủ, 160 giường tại các phòng khám khu vực). Tại các tuyến xã, các trạm Y tế tiếp tục được đầu tư để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Từ năm 2016 đến nay, đã có 50 trạm Y tế xã được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và xây mới cơ sở hạ tầng. Với sự đầu tư có trọng tâm, tỷ lệ xã đạt Tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn đến năm 2020 đã đạt 128 xã, chiến 88,3% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh ( năm 2018 có 09 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt Tiêu chi Quốc gia về Y tế).

Ồng Vũ Mạnh Dương – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi, thì hạn chế hiện nay là người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng còn chưa tốt, thiếu cán bộ y tế có trình độ cao. Bên cạnh đó là tình trạng trạm y tế thiếu trang, thiết bị y tế… Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 76 dịch vụ kỹ thuật và 241 danh mục thuốc. Vì thế đây là khó khăn, thách thức với ngành Y tế tỉnh”.

 Cũng theo ông  Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: “Khó khăn lớn nhất mà các trạm y tế xã đang gặp phải hiện nay, đó là điều kiện về cơ sở vật chất. Trong đó, trang thiết bị máy móc để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Trong khi điều kiện quy định tối thiểu ở mỗi trạm y tế là phải có máy siêu âm, máy điện tim và máy xét nghiệm đường huyết thì trên thực tế ở một số nơi chỉ có máy xét nghiệm đường huyết, bởi chi phí rẻ và cách vận hành đơn giản, thuận tiện. Đa số ở các trạm y tế xã chưa có máy siêu âm, còn riêng máy điện tim có ít. Cùng với đó, nhiều trạm y tế được công nhận chuẩn về y tế giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thì cơ sở vật chất đang có chiều hướng xuống cấp. Bên cạnh đó, số lượng và trình độ của y, bác sỹ không đồng đều dẫn đến tình trạng chất lượng dịch vụ cung cấp cho nhân dân còn gặp khó khăn…”

Phát huy vai trò của y tế cơ sở

Trạm Y tế xã Yên Hòa, huyện Yên Mô hiện có 06 y bác sỹ với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn. Ngoài ra còn có các cộng tác viên y tế luôn nhiệt tình, năng động phụ trách địa bàn thôn, xóm. Hiện trạm được đầu tư tu sữa, nâng cấp gồm trụ sở làm việc, phòng chức năng, bếp ăn, nhà để xe, đồng thời được trang bị các thiết bị y tế cơ bản. Nhìn chung, với cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng hoàn thiện, cùng đội ngũ thầy thuốc nhiệt tình, tận tâm với nghề, nhiều năm qua Trạm Y tế xã Yên Hòa được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

   Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Xác định rõ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trạm luôn chú trọng thực hiện tốt lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, tận tình chăm sóc bệnh nhân tới khám chữa bệnh với thái độ ân cần, nên bà con ngày càng tin tưởng đến khám và điều trị. Trong năm , Trạm Y tế xã đã khám và điều trị cho khoảng 5 nghìn lượt bệnh , trung bình mỗi ngày có trên 24 lượt người đến khám và điều trị. Trạm luôn tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời đối với các trường hợp bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Các y, bác sĩ thường xuyên duy trì lịch trực 24/24 giờ mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, trong những năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với vai trò là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, Trạm Y tế xã đã quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn cho người dân địa phương. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với Trạm Y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch, vận động, hướng dẫn người dân khai báo y tế, tự giám sát, tự giác cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Qua đó, phần lớn người dân địa phương cũng đã tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Trạm cũng đẩy mạnh tuyên truyền về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhằm nâng cao nhận thức của người dân với phương châm “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”. Đến nay, toàn xã đã hoàn thành tiêm chủng với tỷ lệ cao cho người dân trên 18 tuổi”.

 Mặc dù trạm y tế xã Yên Hòa nói riêng, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh nói chung hoạt động tích cực hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho  nhân dân , nhưng trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là “chất lượng dịch vụ”, “lòng tin của người dân” và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

 Ông Vũ Mạnh Dương cho biết thêm: “Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở như: luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe. Đặc biệt ngành Y tế đang đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số có chất lượng, hiệu quả trong ngành y tế, nhằm nhằm giúp quản lý tình hình sức khỏe của người dân tốt hơn”.

Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, ngành Y tế tỉnh xác định cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực; thực hiện rà soát đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, từ đó có cơ sở xây dựng phương án kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị này theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Nguyễn Minh