Để đảm bảo phòng chống những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ luôn có khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch...
Để đảm bảo phòng chống những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ luôn có khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có tình huống thiếu vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Nhằm đáp ứng với việc sớm bảo vệ trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đối với vắc xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib. Phóng viên Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Mai Thanh - Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin bác sỹ cho biết tình hình cung ứng vắc xin giai đoạn hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Ninh Bình?
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Mai Thanh: Năm 2023, tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra trên cả nước, trong đó có Ninh Bình. Hầu hết các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều bị gián đoán cung ứng từ Trung ương, khiến cho tỷ lệ tiêm chủng đa số các vắc xin trên địa bàn tỉnh không đạt tiến độ và mục tiêu kế hoạch. Đặc biệt là hai loại vắc xin DPT-VGB-Hib hay còn gọi là vắc xin 5 trong 1 cho trẻ dưới 1 tuổi và vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên bị ngừng cung ứng trong một thời gian dài, khiến cho tỷ lệ tiêm chủng hai loại vắc xin rất thấp (tỷ lệ tiêm 5 trong 1 đạt 70% và tỷ lệ tiêm DPT chỉ đạt 45,7% và tỷ lệ này đã bao gồm số liệu trẻ được tiêm chủng các vắc xin dịch vụ).
Đầu tháng 01/2024, Ninh Bình đã tiếp nhận từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương 10/11 loại vắc xin (trừ vắc xin IPV phòng bệnh bại liệt) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phân bổ cho các đơn vị triển khai tiêm chủng, xong số lượng một số loại vắc xin mới đảm bảo đủ nhu cầu tiêm chủng tháng 01/2024 và một phần nhu cầu tháng 02/2024 của tỉnh Ninh Bình. Theo Kế hoạch phân bổ tháng 3-4/2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Ninh Bình sẽ tiếp tục được phân bổ 09/11 loại vắc xin, còn 02 loại vắc xin SII tức là vắc xin 5 trong 1 và IPV chưa có kế hoạch cấp bổ sung. Riêng đối với vắc xin SII từ năm 2023 và đầu năm 2024 hầu hết là vắc xin từ nguồn tài trợ, viện trợ, vì vậy Bộ Y tế chưa chủ động được trong hoạt động mua sắm và phân bổ vắc xin này.
PV: Dự kiến sắp tới tình trạng phân bổ vắc xin như thế nào thưa bác sỹ?
Bs. Nguyễn Mai Thanh: Trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/ 2016. Hiện tại, Nghị định sẽ sửa đổi theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vắc xin. Dự kiến trong tháng 3/2024, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc mua sắm 10 loại vắc xin đặt hàng trong nước đáp ứng đủ nhu cầu các tỉnh, thành phố đề xuất đến tháng 6/2024. Theo đó, sẽ đảm bảo hoạt động cung ứng vắc xin năm 2024 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vắc xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho chương trình Tiêm chủng mở rộng.
PV: Việc dứt gãy vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có ảnh hưởng như thế nào đối với một số dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới
Bs. Nguyễn Mai Thanh: Việc gián đoạn cung ứng vắc xin khiến cho tỷ lệ bao phủ các loại vắc xin này ở mức thấp, không đảm bảo miễn dịch cộng đồng và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới. Bản thân trẻ không được tiêm hoặc bị tiêm chậm muộn vắc xin theo khuyến cáo cũng tạo thành khoảng trống miễn dịch, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là trong điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém và thời tiết diễn biến thất thường.
Thực tế đã cho thấy, năm 2023 dịch bạch hầu quay trở lại ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tại Ninh Bình, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024 cũng đã xuất hiện các trường hợp mắc ho gà sau hơn 3 năm liên tục không có ca mắc.
Trong thời gian tới, nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt không triển khai tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét các loại vắc xin bị thiếu trong giai đoạn trước thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh như sởi, bạch hầu, rubella, ho gà…
PV: Bác sỹ có khuyến cáo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh thiếu vắc xin hiện nay.
Bs. Nguyễn Mai Thanh: Việc đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhằm sớm bảo vệ trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân:
Một là: Theo dõi thông tin về tình hình cung ứng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm chủng của con em mình để chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của gia đình để cân nhắc lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp đảm bảo đầy đủ, đúng lịch như đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ trên địa bàn để được khám, tư vấn và chỉ định các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi.
Hai là: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ như: Tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, học tập, sinh hoạt; tăng cường dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Theo dõi sức khỏe của trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.
Kim Thoa