Sáng ngày 26/8/2020, tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Bình (CDC) Đoàn giám sát của Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế đã có buổi làm việc về việc thi hành pháp luật về hệ thống tổ chức y tế của đơn vị. Tiếp và làm việc với Đoàn có đại diện Lãnh đạo Sở Y tế; Lãnh đạo đơn vị và các Phòng chức năng, các khoa chuyên môn thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh.

 

 Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe báo cáo thực trạng về tổ chức, nhân lực và hoạt động của của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 05 đơn vị y tế tuyến tỉnh đã tận dụng được tối đa nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, khắc phục sự phân tán, nhất là các bộ phận thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ; tận dụng được các trang thiết bị sẵn có của đơn vị để tập trung phát triển các dịch vụ về y tế dự phòng; cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ được bố trí, sắp xếp hợp lý. Khi sáp nhập, tư tưởng của viên chức, lao động ổn định; không xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập CDC cũng có một số những khó khăn như: Trụ sở làm việc của trung tâm nằm rải rác chưa tập trung ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý; ở một số bộ phận, khoa, phòng đã xuống cấp hoặc có thiết kế không phù hợp với yêu cầu chuyên môn kỹ thuật; hệ thống xử lý nước thải, khí thải chưa được đầu tư xây dựng. 

Về nhân lực: Thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, nhất là các Bác sỹ Đa khoa, chuyên Khoa Sản; tỷ lệ bác sỹ trên tổng số cán bộ còn thấp nên chưa đảm bảo được các hoạt động khám, chữa bệnh tại đơn vị.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hoàng Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã đề xuất, kiến nghị một số ý kiến với Đoàn giám sát về các nội dung. Về mô hình; cơ cấu tổ chức; cơ chế quản lý: Cần có cơ chế mở rộng phạm vi khám, chữa bệnh cho đối tượng là Bác sỹ Y học Dự phòng; có chính sách đặc thù nhằm thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn sâu vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế; sửa đổi Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế về hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế. Cân đối lại cơ cấu giữa các bộ phận; tăng số lượng cán bộ tại bộ phận chuyên môn và cán bộ có trình độ bác sỹ. Đồng thời, đầu tư kinh phí để mua sắm, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng; tăng định mức chi thường xuyên và nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các chương trình, dự án./.

Tác giả: Diệu Thúy