1. Một số đặc điểm dịch tễ bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên, nhiễm trùng nghiêm trọng màng não, gây tổn thương não, tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh dễ lây lan thông qua tiếp xúc gần và dài kỳ với người bệnh như hôn, hắt hơi hoặc ho vào ai đó, hoặc sống cùng, dùng chung đồ ăn thức uống, hay đồ vật sinh hoạt với người bệnh. Mọi người đều có thể mắc vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ em và trẻ em cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Các nhà khoa học cho rằng có từ 10% đến 20% dân số chung trên thế giới mang vi khuẩn não mô cầu trong họng vào bất kỳ thời điểm trong cuộc đời.

Theo ước tính, mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 2600 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu và có khoảng 330.000 trường hợp mắc ở các nước đang phát triển. Trong 13 năm qua tỷ lệ mắc bệnh tại các nước phát triển là từ 1-5 trường hợp mắc/100.000 dân, trong khi con số này ở các nước đang phát triển dao động từ 10-25 trường hợp mắc/100.000 dân.

Tại Việt Nam bệnh có thể xuất hiện nhiều thời điểm trong năm, tuy nhiên có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông – xuân hàng năm. Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân.

Vi khuẩn não mô cầu có 12 type huyết thanh, tuy nhiên có 6 nhóm chính là A, B, C,W, X, Y thường gây ra các vụ dịch. Trong đó, vi khuẩn não mô cầu nhóm A, B thường gặp nhất ở nước ta. Những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z, có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.

          Theo một số tài liệu khác, tỷ lệ người nhiễm não mô cầu không có triệu chứng khoảng 5 - 10%, tuy vậy tại khu vực có dịch thì tỷ lệ này có thể lên đến 20% hoặc hơn, là nguồn lây truyền rất quan trọng trong cộng đồng.

2. Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, nhưng có thể dao động từ 2 - 10 ngày, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột, bao gồm:

- Sốt cao đột ngột.

- Đau đầu dữ dội.

- Buồn nôn, nôn.

- Cổ cứng.

- Có thể lơ mơ hoặc hôn mê.

- Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại tử ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.

Ngay cả khi bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp cũng có tới 5% - 10% bệnh nhân bị tử vong, thường xảy ra trong vòng 24 - 48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Viêm màng não do vi khuẩn có thể gây tổn thương não, giảm thính lực hoặc gây khuyết tật học tập ở 10% đến 20% những người sống sót. Bệnh viêm màng não mô cầu có khả năng tử vong cao, nên phải xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu. Cần cho nhập viện càng sớm càng tốt. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp phát hiện sớm và xử lý ổ dịch để chống lây lan.

 

 

Ảnh: Tử ban điển hình xuất hiện trên bệnh nhân mắc viêm não mô cầu

 

3. Các biện pháp dự phòng đối với bệnh viêm màng não do não mô cầu

3.1. Biện pháp dự phòng không đặc hiệu

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

         - Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Nhất là những nơi tập trung đông người như ký túc xá, trường học nội trú, doanh trại quân đội…

        -  Người dân khi có biểu hiện nghi mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

         - Hạn chế sự thăm hỏi người bệnh, hạn chế hội họp, tụ tập đông người, hạn chế đi lại giữa nơi có dịch với nơi khác.

         - Đối với những vùng có ổ dịch cũ và có lưu hành bệnh viêm màng não mô cầu cần theo dõi chặt chẽ những trường hợp có sốt cao đột ngột, viêm hầu họng…thông tin ngay với cơ sở y tế để được giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán và áp dụng các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp.

          3.2. Biện pháp dự phòng đặc hiệu và chủ động

         - Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, vắc xin có thể sử dụng rộng rãi cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Hiện nay có một số loại vắc xin được sử dụng thương mại tại Việt Nam cụ thể như sau:

         + Vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu VA- Mengoc BC, phòng bệnh viêm màng não mô cầu type B và C. Được sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến người trưởng thành 45 tuổi. Lịch tiêm khuyến cáo là 2 mũi cách nhau từ 6-8 tuần.

        + Vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu Menectra, phòng bệnh viêm màng não mô cầu type A, C, Y, W-135. Được sử dụng cho trẻ em từ 9 tháng đến người trưởng thành 55 tuổi. Lịch tiêm khuyến cáo đối với trẻ em từ 9 tháng – 24 tháng là 2 mũi cách nhau 3 tháng; đối với trẻ em từ 24 tháng trở lên và người lớn chỉ tiêm một liều duy nhất.

       + Vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu Bexero, phòng bệnh viêm màng não mô cầu type B. Được sử dụng cho trẻ em từ 2 tháng đến người trưởng thành 50 tuổi. Lịch tiêm khuyến cáo thay đổi theo các độ tuổi khác nhau.

          

Ảnh: Các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu

đang được sử dụng tại Việt Nam

 

- Trường hợp những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể sử dụng kháng sinh dự phòng càng sớm càng tốt theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ths. Bs. Trần Văn Thiện

                    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình