Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều người băn khoăn về việc tiêm chủng loại vắc-xin này. Sau đây phóng viên có cuộc trao đổi với Bác sỹ  Nguyễn Ngọc Linh – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề trên:

Phóng viên:Theo BS việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 liệu có cần thiết không?

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Linh:Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 hiện nay là việc làm rất cần thiết trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đây là giải pháp quan trọng vì hầu hết mọi người đều chưa có miễn dịch chống lại Covid-19, rất dễ bị nhiễm. Sau khi nhiễm bệnh, nhiều người gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đối mặt với nguy cơ tử vong.

Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đủ liều và đúng lịch sẽ giúp chúng ta có miễn dịch chống lại tác nhân gây bênh, khi số lượng người được tiêm phòng đủ lớn sẽ hình thành miễn dịch cộng đồng. Cần nhấn mạnh không phải tiêm vắc-xin là không bị nhiễm bệnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp bị nhiễm bệnh sau tiêm chủng cũng dễ điều trị hơn, tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.

Do đó, tiêm chủng là phương cách an toàn và hiệu quả để phòng bệnh. Lịch sử chứng minh, từ khi vắc xin ra đời, nó đã hàng triệu người mỗi năm. Khi chúng ta được chủng ngừa, chúng ta không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ cả những người xung quanh.

Phóng viên: Liệu có những phản ứng phụ thường gặp nào sẽ xảy ra sau khi tiêm vắc xin COVID-19, xin BS chia sẻ?

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Linh: Vắc-xin Covid-19 cũng như nhiều loại vắc-xin khác, có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng thông thường nên người dân không cần phải quá lo lắng. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca, các phản ứng có thể gặp như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C, sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm.

Những phản ứng trên là hoàn toàn bình thường, không có gì nghiêm trọng Người dân hoàn toàn yên tâm vì khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid 19, cán bộ y tế đã được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng.

Phóng viên: Vắc-xin Covid-19 có chống chỉ định cho những đối tượng cụ thể nào không thưa BS?

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Linh: Giống như các loại vắc xin khác thì vắc xin Covid-19 cũng có những trường hợp cần hoãn tiêm và những trường hợp chống chỉ định tiêm. Cụ thể:

Trường hợp hoãn tiêm:

- Người đang bị sốt.

- Người đang mắc các bệnh cấp tính.

- Người đang trong giai đoạn cấp tính của các bệnh mãn tính.

- Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.

- Phụ nữ đang cho con bú.

Trường hợp chống chỉ định tiêm:

- Người đã có phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêm liều trước đó của vắc-xin Covid-19.

- Người đã có phản ứng dị nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin Covid-19.

Phóng viên: Nếu tỉ lệ tiêm COVID-19 cao thì sẽ đem lại hiệu quả phòng bệnh như thế nào?

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Linh: Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỉ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với một bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh đó lây lan. Để đạt được miễn dịch cộng đồng cần phải có tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, nghĩa là hầu hết mọi người đều được tiêm chủng.

Ngược lại, nếu có nhiều người không tiêm chủng hoặc đa số người dân không muốn tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch vững chắc sẽ không được hình thành, và dễ dàng lây lan dịch bệnh khi có nguồn lây bệnh.

Phóng viên: VN triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 theo hình thức nào?

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Linh: Vắc xin phòng COVID-19 sẽ được tiêm như các vắc xin phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài tiêm miễn phí thì một phần nhỏ vắc xin dịch vụ sẽ dành cho những người có khả năng chi trả. Trong giai đoạn này, vắc xin được sử dụng là vắc xin Astrazeneca được nhập về VN đã được tổ chức Y tế thế giới thẩm định chất lượng và hiệu lực bảo vệ được khoảng 60-70%. Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế cho biết là VN sẽ không tiêm ồ ạt mà sẽ theo dõi kiểm soát độ an toàn. Căn cứ theo tình hình dịch và nguồn cung ứng vắc xin hiện nay,VN sẽ tiêm trước cho 9 nhóm đối tượng ưu tiên. Đợt đầu tiên sẽ tập trung tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế và người tham gia phòng chống dịch.

Trong thời gian tới Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để có them nhiều nguồn vắc xin khác từ nước ngoài và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin cho người dân.

Xin nhấn mạnh một lần nữa, việc tiêm vắc xin COVID-19 không có nghĩa là chắc chắn sẽ không còn nguy cơ mắc bệnh và trong giai đoạn này không phải 100% người dân đều được tiêm phòng. Vì thế, ngoài việc tuân thủ chỉ định tiêm của cơ quan chức năng, chúng ta cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả trong phòng chống bệnh COVID-19 như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh các bề mặt, đảm bảo thông thoáng khí, tránh nơi đông người, và khai báo y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sỹ./.

Nguyễn Minh