Cuối giờ chiều 31/1, Sở Y tế có thông báo chính thức về 2 trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, khẳng định chưa có cơ sở xác định các bệnh nhân đã nhiễm bệnh do vi rút nCoV gây ra.

Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trưa ngày 31/1, ngành Y tế tiếp nhận thông tin 2 phụ nữ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nghi nhiễm vi rút Corona. Đó là chị Đinh Thị Ngọc Bích, giới tính nữ, sinh năm 1992, trú tại phố Hoa Mai, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) và Zheng Feng Qia, giới tính nữ, sinh năm 1981, người Trung Quốc, làm việc tại xã Văn Phong (huyện Nho Quan).

Đối với trường hợp chị Đinh Thị Ngọc Bích, tiền sử dịch tễ là bệnh nhân làm cùng công ty với 3 trường hợp dương tính với vi rút nCoV ở Vĩnh Phúc.

Trong thời gian từ ngày 17/1/2020 đến ngày 21/1/2020, bệnh nhân tiếp xúc gần (nói chuyện, làm việc, ăn liên hoan) 4 lần với các bệnh nhân dương tính với nCoV. Các triệu chứng đối với bệnh nhân này là ngày 27/1/2020, sau khi đi tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An về xuất hiện hắt hơi, chảy nước mũi, không sốt, không ho, không khó thở. Sau 2 ngày, bệnh nhân không còn các triệu chứng trên.

Khi biết được thông tin những người cùng làm dương tính với nCoV, khi phát hiện các triệu chứng kể trên, bệnh nhân Đinh Thị Ngọc Bích đã tự cách ly với những người xung quanh tại nhà. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không sốt, không chảy nước mũi, không khó thở. Tiền sử bệnh tật hiện chưa phát hiện gì đặc biệt.

Với trường hợp Zheng Feng Qia, là người tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hiện làm việc tại một công ty may tại xã Văn Phong, huyện Nho Quan. Bệnh nhân đến từ vùng có trường hợp mắc bệnh nCoV. Ngày 16/1/2020, bệnh nhân về tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ăn Tết, đến ngày 29/1/2020 quay lại làm việc tại xã Văn Phong.

Diễn biến bệnh của bệnh nhân này là: Ngày 30/1/2020, bệnh nhân có biểu hiện hắt hơi tại nơi làm việc, không sốt, không ho, không khó thở. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, không có các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Tiền sử bệnh tật hiện chưa phát hiện gì đặc biệt.

Đối với cả 2 bệnh nhân này, ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm (bệnh phẩm đường hô hấp trên và máu). Yêu cầu cách ly tại chỗ. Tiếp tục theo dõi và thông tin thường xuyên tình trạng sức khỏe về Trung tâm y tế địa phương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC).

Với người nhà ở cùng, người tiếp xúc gần với bệnh nhân, lập danh sách, yêu cầu cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời thông tin thường xuyên tình trạng sức khỏe đến các cơ sở y tế tại địa phương.

Ngay trong ngày 31/1, ngành Y tế đã cử 2 đội phản ứng nhanh xuống 2 điểm nghi ngờ tại huyện Yên Khánh và Nho Quan, thực hiện các bước khoanh vùng, xử lý phun hóa chất cloramin B 0,5% tại khu vực bệnh nhân ở, sinh sống và làm việc. Yêu cầu chính quyền và ngành y tế địa phương đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng về các biện pháp phòng chống, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần và những người có tiền sử đi từ Trung Quốc về trong vòng 14 ngày.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm (bệnh phẩm đường hô hấp trên và máu) của 2 bệnh nhân gửi đi xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định xem bệnh nhân có nhiễm vi rút Corona hay không và sớm thông báo kết quả cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngành Y tế Ninh Bình cũng khuyến cáo người dân không hoang mang, lo lắng trước nhiều thông tin không chính thống trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Chủ động theo dõi, giám sát sức khỏe của mình và người thân.

Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Sử dụng khẩu trang đúng cách; tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt, ho; rửa tay thường xuyên với xà phòng, các loại nước rửa tay có chứa cồn; dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho và hắt hơi; sử dụng các loại thực phẩm đã được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm; tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã....

Ngành y tế cũng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện... sẵn sàng triển khai phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.