Vệ sinh tay là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, vì đôi bàn tay là nơi làm lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc rửa tay đúng trong môi trường bệnh viện sẽ làm hạn chế được nguồn lây nhiễm bệnh tật.
Xem hình

Vì sao chúng ta phải vệ sinh tay: bàn tay nhân viên y tế là phương tiện liên kết giữa cơ thể người bệnh và môi trường ngoài. Bàn tay khi tiếp xúc với bất kỳ bề mặt môi trường, thiết bị hoặc vị trí nào trên cơ thể người bệnh đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật (VSV). Do vậy, bàn tay ô nhiễm là nơi lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện. Vệ sinh tay chúng ta sẽ loại bỏ hầu hết các VSV có mặt ở bàn tay, đồng thời làm ngăn ngừa lan truyền mầm bệnh từ người bệnh sang người bệnh khác, từ người bệnh ra môi trường và từ người bệnh sang nhân viên y tế hoặc ngược lại. 

Vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản nhưng quan trọng nhất trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Hiện có nhiều hóa chất khử khuẩn, làm sạch tay có phổ kháng khuẩn rộng, an toàn cho nhân viên y tế và hiệu quả trong việc loại bỏ vệ sinh trên tay. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhân viên y tế phải tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay của Tổ chức Y tế thế giới để cắt đứt đường lan truyền của VSV có trên tay. Ngoài ra, vệ sinh tay chỉ đạt được hiệu quả loại bỏ tối đa VSV khi thực hiện đúng kỹ thuật để giúp hóa chất làm sạch dàn đều trên bàn tay, kể cả những vị trí hóa chất khó ngấm tới nhất như đầu, kẽ và mu của các ngón tay. Kể cả nhân viên y tế khi mang phương tiện phòng hộ cá nhân, đặc biệt là găng tay không thay thế được vệ sinh tay. Vì vậy, vệ sinh tay rất quan trọng trong môi trường bệnh viện.

Nguyên tắc nhất định vệ sinh tay:

- Vệ sinh tay phải được thực hiện ngay tại vị trí đang chăm sóc, điều trị người bệnh. Hoặc sau khi có nguy cơ tiếp xúc với máu/dịch cơ thể; sau mỗi khi tiếp xúc với người bệnh; sau khi tiếp xúc với bề mặt xung quanh người bệnh.

- Tuân thủ đúng 5 chỉ định vệ sinh tay trong chăm sóc, điều trị người bệnh.

- Tăng cường tuân thủ vệ sinh tay bằng cồn để tiết kiệm thời gian vệ sinh tay, có thể thực hiện ngay tại vị trí chăm sóc, điều trị và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biểu hiện không mong muốn gây ra bởi hóa chất vệ sinh tay.

- Rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn khi bàn tay bị ô nhiễm vết bẩn nhìn thấy được. Khử khuẩn tay bằng dung dịch cồn khi tay không trông rõ vết bẩn, sau khi tháo găng hoặc khi thăm khám giữa các bệnh nhân.

- Lấy đủ lượng hóa chất vệ sinh tay: 3-4ml xà phòng trung tính (2 lần bơm) hoặc 3-4ml dung dịch cồn khử khuẩn (2 lần bơm).

- Chà tay đủ các bước và đảm bảo thời gian bàn tay (thời gian hóa chất tiếp xúc với da tay) tối thiểu 30 giây.

- Không rửa lại tay bằng nước sau khi đã chà tay bằng cồn.

 

 

 6 bước quy trình rửa tay đúng của nhân viên y tế (Nguồn internet)

Các bước chuẩn bị thực hiện vệ sinh tay

Dung dịch rửa tay: hiện nay, có rất nhiều loại như: dung dịch xà phòng khử khuẩn chứa chlorhexidine 4% đựng trong bình kín, có bơm định lượng, còn hạn sử dụng. Hay dung dịch xà phòng trung tính được lưu giữ trong bình kín, có bơm định lượng, có nhãn, còn sử dụng.

Dung dịch cồn khử khuẩn tay: dung dịch cồn ethanol (hoặc kết hợp với isopropyl và chlorhexidine 0,5%) có chất dưỡng da, đựng trong bình kín, có bơm định lượng, có nhãn, còn hạn sử dụng.

Bồn rửa tay: vòi cấp nước có cần gạt tay hoặc khóa vặn hoạt động tốt, trong bồn không có vết bẩn nhìn/sờ thấy được, quanh bồn không để phương tiện, đồ vật khác, có bình cấp hóa chất rửa tay trong sạch, không cáu bẩn và hoạt động tốt.

Nước rửa tay: nước máy được cấp qua vòi có khóa hoạt động tốt.

Khăn lau tay: chúng ta nên dùng khăn sạch bằng sợi bông hoặc khăn giấy sử dụng một lần. Nếu là khăn sợi bông thì được giặt khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng. Khăn được gấp theo hình thức kết nối nhau để dễ dàng lấy khăn khi sử dụng, được đựng trong hộp cấp khăn tại mỗi điểm rửa tay.

Ngoài ra, chúng ta nên đặt các vật dụng rửa tay tại các buồng thủ thuật, buồng bệnh, buồng hành chính, buồng làm việc của nhân viên y tế, buồng vệ sinh của người bệnh và nhân viên y tế, khu nhà ăn và các xe tiêm, xe thủ thuật.

Đặc biệt, một khâu rất quan trọng nữa mà chúng ta nghĩ đều rất đơn giản nhưng nhiều nhân viên y tế lại không để ý chính là kỹ thuật rửa tay. Chúng ta nên làm theo quy trình 6 bước do Bộ Y tế đã ban hành:

Bước 1: Chà hai lòng bàn tay vào nhau;

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại;

Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào kẽ ngón;

Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại;

Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại;

Bước 6: Chà đầu các ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

 

TTGDSK

Tác giả: TT TTGDSK