Lãnh đạo ngành Dân số tại nhiều địa phương có mức sinh cao hoặc tiệm cận mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con) cho biết, thay đổi thông điệp không làm thay đổi bản chất, nhiệm vụ trong tuyên truyền, vận động người dân: Sinh đủ 2 con và không sinh con thứ 3 trở lên.

Vẫn kiên trì nhiệm vụ giảm sinh

 

Khi được hỏi cách hiểu về thông điệp mới của ngành Dân số, chị Nguyễn Thị Hoàng (35 tuổi, ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái) nói: “Tôi được nghe trên đài, báo nói mới biết sự thay đổi này. Tôi thấy mấy năm gần đây, không hiểu sao nhiều gia đình ở thành phố sinh được một cháu, rồi mải mê làm ăn, không sinh thêm ngay, cứ “dền dứ” mãi đến lúc không sinh được nữa. Chắc thông điệp khuyến khích gia đình sinh đủ 2 con để cung ứng đủ lực lượng lao động! Bên cạnh đó, cũng để đồng bào vùng cao đẻ ít đi cho cân bằng dân số.

 

Còn tại Hải Phòng, chị Nguyễn Hồng Hà (25 tuổi, trú tại phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) lại cho rằng: Từ lúc còn bé, câu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 – 2 con” đã nằm lòng rồi. Thông điệp mới, dù “thoáng” hơn nhưng vẫn có nội dung không nên sinh nhiều con, số lượng vẫn không thay đổi. “Nhiều người trẻ giờ mải mê xây dựng sự nghiệp, không muốn mất thời gian “vàng” vào việc gia đình, con cái nên chỉ sinh 1 thôi. Lại có những người thích con trai nên sinh được con trai rồi họ dừng lại, không sinh nữa. Bởi vậy, tôi nghĩ thông điệp này là không nên đẻ 1 mà nên đẻ 2 và chỉ 2 con để dân số không bị già hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh”, chị Hà nói.

Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Yên Bái thẳng thắn: “Với thông điệp mới này, tỉnh Yên Bái vẫn không có gì thay đổi trong công tác tuyên truyền. Bản chất của nó vẫn là tuyên truyền tới người dân không sinh con thứ 3, vẫn thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh ở vùng cao. Do đó, chúng tôi đã tập huấn cho các cán bộ dân số cơ sở, giải thích rõ cho người dân hiểu đúng ý nghĩa của thông điệp mới vẫn là không sinh con thứ 3. “Hãy nên sinh đủ 2 con” là không sinh 1 và cũng không sinh nhiều hơn 2 thì số lượng không tăng lên. Sinh 2 con để đảm bảo cơ cấu dân số trong tương lai. Ngoài ra, sinh 2 con đảm bảo sự hài hòa cân đối giữa các lứa tuổi, đảm bảo ổn định tỷ số giới tính khi sinh. Đó là cách hiểu đúng, đủ về khẩu hiệu mới”.

Theo ông Lương Kim Đức, ở một tỉnh miền núi như Yên Bái, nhiều vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, tỷ lệ sinh còn khá cao, tổng tỷ suất sinh trên 2,1 con; việc thực hiện thông điệp mới là một thách thức. “Chúng tôi vừa phải giảm tỷ lệ sinh ở vùng cao, giữ mức sinh 2 con để đảm bảo cơ cấu dân số; vừa nâng cao chất lượng dân số”, ông Đức nói.

Hiện nay, Yên Bái vẫn có chính sách khen thưởng với những xã không có người sinh con thứ 3, thậm chí khen thưởng cho những xã vùng cao có mức giảm sinh nhanh qua từng năm. Ở các huyện như Trạm Tấu, Văn Yên… còn có chính sách thưởng cho những thôn làm tốt công tác DS-KHHGĐ. Điều đó cho thấy, với các tỉnh miền núi có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, giảm sinh vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác DS - KHHGĐ.

“Chúng tôi đã triển khai Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên hơn 70 xã. Đây là cơ hội quý để các cán bộ dân số nói rõ hơn cho bà con, đặc biệt tại vùng sâu, vùng cao hiểu đúng về thông điệp mới, tránh nhầm lẫn rằng Nhà nước khuyến khích sinh thêm con”, ông Đức thông tin.

 

Từng bước đưa thông điệp đến gần người dân

Ý kiến của ông Lương Kim Đức nhận được sự đồng tình của lãnh đạo nhiều địa phương. Tại Huế, bà Hoàng Thị Tâm – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho rằng: Phải từng bước đưa thông điệp đến người dân, chứ không thể đưa tràn lan, phổ cập tất cả các huyện, thị, thành; tránh trường hợp người dân hiểu sai, gây tăng sinh khó kiểm soát.

“Tổng tỷ suất sinh của Huế năm 2013 là 2,2 con, mức sinh chưa ổn định. Tỷ lệ sinh con thứ 3 lên tới 16%. Đối với các vùng hiện mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (1,8-1,9 con) như TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, chúng tôi đã bước đầu đưa thông điệp mới “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” tới cán bộ dân số, các ban, ngành, đoàn thể và bà con. Còn với các vùng cao như A Lưới, Nam Đông… chúng tôi vẫn tiếp tục giảm sinh, khuyến khích người dân không sinh con thứ 3”, bà Hoàng Thị Tâm nói.

Đây cũng là cách TP Hải Phòng áp dụng trong việc chuyển tải thông điệp mới của ngành Dân số. Theo ông Nguyễn Đức Tuynh – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, lãnh đạo ngành Dân số Hải Phòng đã thông tin, trao đổi với các quận, huyện, đặc biệt là trong phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa các ngành thành viên. “Từ nhiều năm nay, Hải Phòng đã đạt mức sinh thay thế  nhưng vẫn có sự khác biệt trong từng vùng. Với những quận nội thành, trung tâm như Hồng Bàng, Ngô Quyền, mức sinh đã dần ổn định thì phải tuyên truyền để họ giữ vững mức sinh, không để “tụt” quá sâu. Còn với những huyện như Thủy Nguyên, Kiến Thụy – nơi nhiều xã biển, ven biển thì phải khuyến khích giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số”, ông Tuynh nói.

Còn tại Hà Tĩnh, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại đây sinh trung bình tới hơn 2,5 con, còn rất cao so với mức bình quân cả nước, do đó, ông Nguyễn Huy Tú  - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Hà Tĩnh vẫn kiên trì thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con”. Chúng tôi đã thông báo, quán triệt tới các cán bộ dân số từ thôn đến huyện về thông điệp mới. Nhưng hiện nay, Hà Tĩnh vẫn phải giảm sinh, dần đưa về mức sinh thay thế, giảm mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (hiện ở mức 113 bé trai/100 bé gái), nên chúng tôi chưa vội đưa thông điệp này phổ biến toàn dân”. Ông Tú cũng thông tin thêm, người dân, đặc biệt tại vùng thành thị, rất quan tâm đến thông điệp mới này.

giadinhnet

Tác giả: giadinhnet