Trang thiết bị y tế là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của việc thăm khám, điều trị, hỗ trợ tích cực cho thầy thuốc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực đảm nhận việc khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, sữa chữa và kiểm chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế vừa thiếu lại vừa yếu.
Xem hình

Thiếu và yếu 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ về nguồn nhân lực kỹ thuật trang thiết bị y tế tại 35 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 144 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 66 trung tâm y tế, phòng khám đa khoa thuộc 30 tỉnh/thành phố (năm 2007) thì tỷ lệ cán bộ phụ trách về vật tư, trang thiết bị y tế rất thấp: chỉ có 6% là kỹ sư; 59% là kỹ thuật viên; còn lại 35% là các cán bộ khác (kiêm nhiệm bao gồm: bác sỹ, dược sĩ, y sĩ...).

Báo cáo gần đây nhất về cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý nhân lực kỹ thuật trang thiết bị y tế tại các sở y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện huyện của 47/63 tỉnh thành (tháng 6/2011) cũng chỉ ra rằng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật về trang thiết bị y tế hầu hết là kiêm nhiệm; những đơn vị có cán bộ phụ trách kỹ thuật về trang thiết bị y tế thì trình độ chủ yếu là cao đẳng hoặc trung cấp. Nhiều cán bộ được đào tạo từ các chuyên ngành kỹ thuật khác như điện, tin học… thậm chí dược và y, rất ít đơn vị có cán bộ trình độ đại học hoặc trên đại học.

Hậu quả là nhiều cơ sở kỹ thuật và trang thiết bị tại các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương nhiều nơi bị xuống cấp đặc biệt về chất lượng, độ chính xác, độ ổn định, độ an toàn do không được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra, kiểm chuẩn kịp thời; các thiết bị tại các tuyến y tế cơ sở được sử dụng cho đến khi bị hỏng hóc lớn mới được sửa chữa thay thế, gây lãng phí về hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Thậm chí, tại một số đơn vị tồn tại tình trạng thiết bị được đầu tư nhưng đắp chiếu hoặc sử dụng không có hiệu quả…

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra một số khó khăn, thách thức đối với đội ngũ kỹ thuật trang thiết bị y tế. Trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt, chủng loại đa dạng, luôn cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi nên cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được mã ngạch, bậc cho ngành này nên cán bộ tại các cơ sở y tế rất khó có khả năng và điều kiện để phát triển trong nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ sư trẻ mới ra trường. Phụ cấp cho cán bộ làm công tác này thời gian qua đã được tăng lên nhưng còn thấp so với đặc thù và yêu cầu công việc...

Theo ThS.KS. Nguyễn Diểu, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, để làm chủ được kỹ thuật trong lĩnh vực trang thiết bị y tế đòi hỏi nguồn nhân lực phải có một trình độ tương đối cao. Thực tế hiện nay tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng như các cơ sở y tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên không thiếu cán bộ về mặt số lượng nhưng chất lượng thì còn nhiều vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Và để tìm cũng như nhận được các kỹ sư chất lượng cao, những người có khả năng tiếp cận lĩnh vực trang thiết bị y tế quả là khó khăn. Cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế cũng như các bệnh viện tuyến tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa tuyển được kỹ sư tốt nghiệp điện tử y sinh, mặc dù Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo chuyên ngành này gần 10 năm. ThS.KS. Nguyễn Diểu cho biết: “Các cơ sở y tế công lập gần như không có những điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ ngành”. 

Giải pháp đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng 

Để trang thiết bị y tế xứng đáng là một trong ba yếu tố quan trọng: thuốc - thầy thuốc - trang thiết bị y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản lý trang thiết bị y tế đồng bộ, nhất quán và có đủ năng lực, trình độ. Theo đó, Sở Y tế củng cố, thành lập bộ phận/cán bộ đầu mối chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế trên địa bàn. Ở những nơi có điều kiện, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thành lập Phòng Quản lý Trang thiết bị y tế; củng cố Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và thành lập Phòng quản lý Vật tư – Trang thiết bị y tế tại bệnh viện đa khoa huyện với trên 200 giường bệnh. Các bệnh viện có quy mô nhỏ thành lập bộ phận/cán bộ chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế (tùy theo điều kiện). Đồng thời, làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung chức danh, mã ngạch, định biên cho cán bộ chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí công tác, hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác về trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế và nguồn kinh phí, nhân lực, phương tiện… nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế. Dựa trên khả năng và quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (đơn vị sử dụng cán bộ) sẽ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo nhu cầu của ngành, đào tạo theo địa chỉ, tăng cường công tác đào tạo về quản lý để đáp ứng nhu cầu về quản lý, yêu cầu chuyên môn kỹ thuật…

KS. Hà Đắc Biên, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam “hiến kế”: nên thành lập hệ thống trung tâm bảo dưỡng sửa chữa thiết bị bệnh viện gồm 3 cấp: cấp trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh. Để đảm bảo các trung tâm hoạt động hiệu quả, các đơn vị quản lý và các chủ đầu tư chỉ duyệt mua những thiết bị y tế của những nhà cung cấp khi họ cam kết hỗ trợ về đào tạo cán bộ kỹ thuật, cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ công tác sửa chữa bảo dưỡng, cung cấp đủ phụ tùng thay thế và hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật cho các trung tâm. Còn ThS.KS. Nguyễn Diểu thì nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực mới bổ sung là một chiến lược phát triển lâu dài, nhưng trước mắt và trong nhiều năm tới vẫn phải trông cậy vào nguồn nhân lực hiện có. Các cơ sở y tế nên gửi nhân viên kỹ thuật đến các cơ sở y tế lớn, có các phòng Vật tư – Thiết bị y tế mạnh, hoạt động hiệu quả và toàn diện để theo học dưới dạng cùng tham gia làm việc như nhân viên, thời gian khoảng 1 đến 3 tháng hoặc 6 đến 12 tháng… Nếu có điều kiện thì cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài tại các trung tâm lớn về bảo trì, sửa chữa trang thiết bị y tế.

Hy vọng, trong thời gian tới, ngành Y tế Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực cán bộ kỹ thuật chuyên ngành trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và số lượng.