Dị ứng hải sản là một trong những loại dị ứng thường gặp nhất, xuất hiện ngay sau khi ăn hải sản hoặc sau vài tiếng hấp thu. Dị ứng hải sản nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, ngứa, người nôn nao khó chịu. Dị ứng nặng ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy... thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

Nguyên nhân dị ứng hải sản

Hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc... là những loại hải sản có thể gây dị ứng. Nguyên nhân gây dị ứng hải sản do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Thứ hai, do một số protein có trong hải sản chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng. Thứ ba, do một số hải sản có chứa nhiều chất histamin - là một chất có khả năng gây ra các triệu chứng giống như dị ứng khi đi vào cơ thể, thường sinh ra hiện tượng ngứa, nổi mẩn ở một số người.

Các protein trong hải sản có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng hải sản nhưng lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng hải sản. Hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao, có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải (hiện tượng ngộ độc histamin).

Biểu hiện của dị ứng hải sản

Dị ứng hải sản thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Mức độ bị dị ứng nặng hay nhẹ ở từng người có sự khác nhau, không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, ngứa, người nôn nao khó chịu. Nặng ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy... thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

Xử trí khi bị dị ứng hải sản

Đối với dị ứng thể nhẹ, cần kích thích gây nôn để hạn chế hấp thu lượng hải sản còn trong cơ thể. Bên cạnh đó, có thể áp dụng biện pháp sơ cứu như uống nhiều nước, uống nước cam, chanh, trà gừng, mật ong hoặc dùng gừng kết hợp với đậu xanh, lá tía tô để nấu ăn sẽ giúp trung hòa bớt độc tính, giảm bớt tình trạng mẩn ngứa, mề đay. Trong trường hợp dị ứng hải sản có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy... cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Tránh dùng thuốc cầm tiêu chảy vì cơ thể đang cần thải trừ độc tố. Nên tăng cường bổ sung chất xơ từ các loại nước ép để hiệu quả phục hồi tốt hơn. Nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng cơ thể sau 2-3 tiếng đồng hồ, nếu đã thuyên giảm thì không cần sử dụng thuốc. Cần lưu ý tránh tắm, lau người bằng nước nóng. Nên mặc quần áo rộng, thoáng mát. Không được uống rượu bia vì có thể làm cho rối loạn phản ứng tuần hoàn. Không nên dùng thực phẩm giàu đạm, giàu béo, giàu chất tanh khi dị ứng chưa khỏi.

Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu nguy kịch đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự cho phép của bác sỹ. Các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng.

Phòng tránh dị ứng hải sản

Khi xác định bị dị ứng với một loại hải sản nào đó nên tránh ăn lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này. Đồng thời nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác vì có thể bị dị ứng chéo. Nên ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng phải ngừng lại ngay. Nếu bị dị ứng hải sản, cần tránh xa khu vực nấu nướng vì khi hít phải mùi của món hải sản vẫn có thể gây dị ứng. Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn. Nên nấu chín các thực phẩm dễ gây dị ứng để hạn chế được tác dụng gây dị ứng. Sau khi ăn hải sản không ăn ngay trái cây vì ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản. Hơn nữa lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn.../.