Theo báo cáo của Bộ Y tế tới Thủ tướng Chính phủ, tình hình bệnh tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp khi hai tháng trở lại đây số lượng người mắc bệnh duy trì ở mức cao với khoảng hơn hai nghìn ca mỗi tuần và xảy ra ở 61/63 tỉnh, thành phố.

52.000 ca, 109 người chết vì bệnh tay - chân  - miệng

Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến ngày 15/9, cả nước đã ghi nhận 52.321 trường hợp mắc bệnh tay - chân  - miệng tại 61 tỉnh, thành, trong đó đã có 109 trường hợp tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.

Hiện nay, các trường hợp mắc và tử vong do tay - chân  - miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 70,8% số ca nhiễm bệnh và 90,8% số tử vong trên tổng số ca mắc và tử vong của cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là địa phương có nhiều người tử vong nhất (với 26 trường hợp), tiếp theo là Đồng Nai (22), Bình Dương (9), Long An (7), Bà Rịa-Vũng Tàu (6)… Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ nam (chiếm 71,3%), trẻ dưới 3 tuổi chiếm gần 80%.

Các tỉnh miền Trung có số mắc cao vẫn là Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đều ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh này, tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.096 trường hợp mắc, 1 tử vong. Khu vực miền Bắc tập trung chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa (1.870 trường hợp) và chưa xuất hiện ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.

Tại Hà Nội, chiều 22/9, TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện chính thức ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên (hôm 20/9) là cháu H.T.B.Ngọc, 3 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Ngọc tử vong trong quá trình điều trị bệnh tay - chân  - miệng thể tối cấp, do virus EV71 gây ra. Khi nhập viện (ngày 17/9), bệnh nhi sốt cao liên tục, có các nốt đỏ không bọng nước nhưng sau đó xuất hiện bọng nước ở tay, chân và diễn biến suy đa tạng, rồi tử vong sau hơn ba ngày điều trị, mặc dù đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đưa ra nhận định, dịch bệnh tay - chân  - miệng trên toàn quốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong nửa cuối tháng 9 và kéo dài đến tháng 11, làm gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong. Nguyên nhân là do chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp. Mặt khác, các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh tay - chân  - miệng.

Đáng chú ý, trong khoảng 10 tuần gần đây, số ca mắc bệnh không tăng hơn tuần thứ 26, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Đặc biệt, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống bệnh tay - chân  - miệng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành Y tế khiến dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Quyết tâm phòng chống dịch bệnh

Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh tay - chân  - miệng tại 13 tỉnh, thành trọng điểm; cấp phát trên 22.000kg Chloramin B, 16 bình phun MR8, 32 máy phun MD-150 DX, 20 máy phun ULV cho các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang và các địa phương để phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch; tổ chức 105 lớp tập huấn về giám sát, phòng chống bệnh tay - chân  - miệng cho cán bộ y tế dự phòng tỉnh, huyện, xã, giáo viên mầm non và 9 hội nghị triển khai, đánh giá công tác phòng chống bệnh tay - chân  - miệng; tập trung tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay - chân  - miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo, đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay - chân  - miệng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay - chân  - miệng. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay - chân  - miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

Để chủ động phòng chống bệnh tay - chân  - miệng đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành triển khai kế hoạch phòng chống bệnh tay - chân  - miệng trong 4 tháng cuối năm 2011. Đảm bảo việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường được thực hiện tại các hộ gia đình, các cơ sở giáo dục và ngay từ đầu năm 2012, dành kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nếu không "mạnh tay" chống dịch thì chắc chắn con số mắc và tử vong vì căn bệnh này sẽ không dừng lại ở đó.