Ðó là lời của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nguyên văn lời ông: "Ðạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công".
Xem hình

Nhìn rộng ra, với lịch sử các ngành nghề của loài người, thì nghề y là nghề đầu tiên được xác lập các tiêu chí cơ bản liên quan tới đạo đức nghề nghiệp. 2.500 năm trước, Hi-pô-crát đã đặt nghề y trong quan hệ với đạo đức, để làm nên điều mà ngày nay vẫn gọi là 'mười lời thề của Hi-pô-crát'. Ông đã tiếp cận một cách nhân văn đối với nghề y, vì đó là nghề 'cứu người' và chính ông - với tư cách là một thầy thuốc, trở thành tấm gương được hậu thế kính trọng, coi là bậc 'y thánh' của  nhân loại. 

Ở Việt Nam, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, từ hoàn cảnh riêng của mình, cha ông chúng ta có ba ngôi miếu thờ rất quan trọng, đó là Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu. Có thể coi ba ngôi miếu này là tượng trưng cho khát vọng của cha ông: 'văn' để làm đẹp con người, 'võ' để có sức khỏe bảo vệ Tổ quốc, 'y' để cứu giúp con người. Y Miếu xưa, nay nằm trên phố Y Miếu ở Hà Nội, là nơi thờ phụng hai danh y vốn là niềm tự hào của dân tộc, là Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác. Nói như vậy để thấy, trong lịch sử từ đông sang tây, y đức luôn luôn được khẳng định như là một giá trị văn hóa, một giá trị nhân văn cấu thành nên phẩm chất nghề nghiệp của mỗi người hoạt động trong ngành y. 

Sau ngày cách mạng thành công, xác định vai trò cực kỳ quan trọng của ngành y tế đối với sự phát triển xã hội và con người, năm 1946 Bác Hồ căn dặn: 'Ðừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn'. Thấm nhuần lời dạy của Người, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y đã đóng góp rất nhiều công sức cho đất nước, cho đồng bào. Trong hai cuộc kháng chiến, họ có mặt trên mọi mặt trận, khắc phục khó khăn để kịp thời cứu chữa thương binh, bệnh binh. Rồi họ đến với mọi miền của Tổ quốc, từ biên giới, hải đảo đến vùng sâu, vùng xa, đem khả năng và sức lực để bảo vệ, giữ gìn sức khỏe cho toàn dân, trực tiếp đẩy lùi dịch bệnh, góp phần xây dựng đời sống xã hội lành mạnh. Từ các nỗ lực đó, đã xuất hiện những tên tuổi được toàn dân kính trọng như Phạm Ngọc Thạch, Hồ Ðắc Di, Vũ Ðình Tụng, Tôn Thất Tùng,... trong đó có người đã anh dũng hy sinh như Ðặng Văn Ngữ, Ðặng Thùy Trâm...Thời kỳ phát triển mới của đất nước đang đặt người thầy thuốc Việt Nam trước rất nhiều thách thức. Thách thức đó không chỉ đến từ các biến dịch phức tạp của nhiều loại bệnh tật, hay sự biến đổi của môi trường tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, mà thách thức còn đến từ các cám dỗ vật chất - tinh thần có khả năng làm suy giảm giá trị của y đức.

Trên thực tế, dư luận đã lên tiếng phản ánh về một số hiện tượng không phù hợp với lương tâm người thầy thuốc, thậm chí là làm ảnh hưởng tới ý nghĩa cao quý của y đức, đó thật sự là điều rất đáng tiếc. 'Lương y phải như từ mẫu', thầy thuốc phải như mẹ hiền, và để cho điều Bác Hồ từng khẳng định: 'Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe' trở thành hiện thực, xã hội đang đòi hỏi mọi người thầy thuốc ở Việt Nam cần xác định y đức như là yếu tố cấu thành nên phẩm chất của chính mình, từ đó nỗ lực hơn nữa, để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.