Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của ngành y tế cũng như lực lượng công an đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chuyên dụng giả, hết hạn sử dụng và kém chất lượng. Những loại thuốc này khi trôi nổi trên thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng như: phát sinh bệnh tật khi dùng, kháng thuốc,… thậm chí dẫn đến tử vong.
Xem hình
Kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc tân dược trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Ảnh: Minh Quang

Anh Trần Thanh S, phường Nam Bình mang đơn thuốc đã được bác sĩ khám, kê đơn do đau mắt đỏ ra hiệu thuốc gần nhà để mua. Theo anh S, đây cũng là hiệu thuốc quen, anh đã mua nhiều lần nên vẫn tin tưởng mua thuốc cho cả gia đình khi không may ốm đau. Tuy nhiên, sau khi uống và nhỏ thuốc, chưa đầy 30 phút sau mắt anh S sưng húp, đau nhức không nhìn thấy gì nữa, người nôn nao rất khó chịu. 

          Mang số thuốc đến bệnh viện, anh S được bác sĩ cho biết mua phải thuốc kháng sinh giả, không đúng liều lượng theo yêu cầu điều trị nên bị kháng thuốc. Mang số thuốc kháng sinh ra hỏi chủ cửa hàng thì chỉ nhận được câu trả lời là cửa hàng vẫn nhập chỗ uy tín, thuốc đảm bảo chất lượng…, có thể nguyên nhân do cơ thể người uống không phù hợp với loại thuốc này!?

          Được biết, thuốc giả, thuốc kém hoặc hết hạn sử dụng, mặc dù có những thành phần như thuốc thật nhưng hàm lượng thấp hoặc cao hơn, nếu sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe và phát sinh các bệnh tật khác. Về mặt nguy hại, do thuốc kém chất lượng có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, người dùng thuốc sẽ không hết bệnh hoặc bệnh càng ngày càng nặng thêm. 

Đơn cử như người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường gần như phải dùng thuốc suốt đời, nếu dùng thuốc trị tăng huyết áp, trị đái tháo đường kém chất lượng không kiểm soát được bệnh, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng không tinh khiết và nếu lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Như thuốc kháng sinh kém chất lượng khi dùng không tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chủng này nữa, từ đó bệnh không chữa khỏi mà còn gây kháng thuốc.

          Theo đại diện Sở Y tế, thời gian vừa qua, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã phát công văn khẩn đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu thu hồi hàng loạt loại thuốc giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường. Tiêu biểu như thuốc tân dược giả Dianfagic, viên nang thuốc Celenobe-200 (Celecoxib 200mg), viên nén phân tán Efixime 100DT, viên nang nhiệt miệng TANA do không đạt tiêu chuẩn chất lượng… 

          Mặc dù hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng đã có không ít trường hợp do dùng phải thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng đã bị ngộ độc như khó thở, ngứa họng, ngứa mũi; nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, trường hợp nặng có thể bị co giật, phải cấp cứu trong các cơ sở y tế.

          Cũng theo đại diện Sở y tế, các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, từ bao gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập ngoại từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, corticoid, thuốc đau dạ dày, tim mạch đến các loại vitamin, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng… 

          Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó hơn một nửa là cơ sở hành nghề dược. Hàng năm, Sở Y tế cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc của các cơ sở. Đặc biệt, nhằm đảm bảo chất lượng thuốc trên địa bàn, trung bình mỗi năm, Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tiến hành lấy hàng trăm mẫu thuốc để thực hiện xét nghiệm. 

          Các mẫu thuốc được tiến hành lấy ở nhiều địa bàn, từ thành thị đến nông thôn, cả thuốc bán ở các hiệu thuốc tư nhân và thuốc trong các bệnh viện. Trong 11 tháng đầu năm 2016, Trung tâm đã kiểm tra trên 1 nghìn mẫu, phát hiện hơn 30 mẫu không đạt chất lượng. Trung tâm đã báo cáo Sở Y tế ra văn bản chỉ đạo đình chỉ các loại thuốc này lưu hành trên địa bàn, góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn cho nhân dân khi sử dụng thuốc.

          Cùng với việc chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm lấy mẫu, hướng dẫn các đơn vị gửi mẫu, Sở Y tế cũng chủ động thành lập đoàn giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng, phân phối thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu chưa đầy đủ, trong năm 2016, ngành Y tế đã kiểm tra hàng trăm cơ sở hành nghề dược, phát hiện, xử lý kịp thời trên 100 loại thuốc hết hạn sử dụng tại trên 20 cơ sở, từ đó xử phạt hành chính, tiêu hủy số thuốc giả, kém chất lượng và tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh, hành nghề y dược, nâng cao chất lượng kinh doanh thuốc trên địa bàn.

          Thực tế cho thấy, khá nhiều người Việt Nam do thói quen mua thuốc không cần đơn của bác sĩ, không cần hóa đơn chứng từ, dẫn đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chỉ tồn tại ở các loại thuốc đắt tiền, biệt dược, mà còn ở cả những loại thuốc có giá trị thấp. 

          Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng ra ngoài thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, bên cạnh việc có các chế tài nghiêm khắc xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào; các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả… 

          Và điều quan trọng hơn, người dân khi dùng thuốc cần hết sức đề cao cảnh giác về nguồn gốc xuất xứ của thuốc mình đang sử dụng, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình.