.
Mặc dù có 3 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) nội sinh xuất hiện trên địa bàn các phường và đã được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng thành phố Ninh Bình không chủ quan, lơ là, UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, các phường trên địa bàn chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia, tích cực phòng, chống, quyết tâm không để bệnh SXH lây lan thành dịch.
Phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Minh QuangTheo bà Lê Thị Kim Thuần, Phó trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình, hiện trên địa bàn thành phố có 52 ca mắc SXH, trong số đó có 3 ca nội sinh, còn lại là các ca bệnh ngoại lai. Trong số 3 ca mắc nội sinh, có 2 ca là trẻ em, 1 ca bệnh là cháu bé tại phường Ninh Khánh lây bệnh từ mẹ đi về từ vùng dịch ở 1 tỉnh phía Nam, ca thứ 2 là một cháu bé 4,5 tháng tuổi ở phường Ninh Phong và ca thứ 3 là một người đàn ông trung niên ở phường Nam Bình.
Điều đáng nói là trong 3 ca bệnh nội sinh, có những ca bệnh không tìm được nguyên nhân mắc bệnh do đâu. Đó là trường hợp của một cháu bé mới 4,5 tháng tuổi ở phường Ninh Phong, cháu bé mắc bệnh khi trong nhà không có một ai bị bệnh hoặc đi đâu xa về. Điều đáng nói là trong quá trình giám sát và điều tra của cán bộ y tế tại gia đình nhận thấy, gia đình cháu bé ăn ở, vệ sinh rất sạch sẽ, chăm sóc con trẻ rất kỹ càng, kiểm tra không phát hiện bất cứ một loại muỗi nào đang có trong gia đình, các dụng cụ, đồ dùng chứa nước đều không phát hiện loăng quăng, bọ gậy… Điều này đặt ra vấn đề có nhiều nguyên nhân có thể lây và gây thành bệnh mà nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình rất dễ lây lan ra diện rộng trên địa bàn.
Được biết, trong tổng số các xã, phường trên địa bàn thành phố, hầu hết đều đã xuất hiện các ca bệnh SXH nội sinh và ngoại lai, trong đó phường Nam Bình chiếm nhiều nhất với 11 ca bệnh, chỉ riêng xã Ninh Nhất chưa phát hiện ca bệnh nào. Số bệnh nhân mắc SXH cũng chưa có chiều hướng chững lại, nguyên nhân là thành phố Ninh Bình có khá nhiều ca bệnh ngoại lai đi từ vùng dịch Hà Nội, Hà Nam và một số tỉnh lân cận về tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và gia đình để điều trị.
Trước thực tế xuất hiện 3 ca bệnh SXH nội sinh, mặc dù đã được điều trị ổn định về sức khỏe và quá 14 ngày không xuất hiện trường hợp mắc mới nhưng Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình đã và đang tiếp tục chỉ đạo sát sao các trạm y tế xã, phường, đội phòng chống dịch, cán bộ y tế phụ trách địa bàn nắm chắc đối tượng, địa bàn, giám sát chặt chẽ các ca bệnh vãng lai để có phương án chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, Trung tâm y tế thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên địa bàn, nhất là những phường xuất hiện các ca bệnh nội sinh để tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống, đối phó với dịch bệnh.
Theo đó, tại các xã, phường, công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung tâm. Đối với Trung tâm y tế thành phố, để kiểm soát, phòng, chống dịch, Trung tâm đã chuẩn bị máy móc, đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất với trên 70kg hóa chất, phối hợp với các đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị trường học, nơi tập trung đông người sinh hoạt, làm việc như các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Đồng thời phát động nhân dân các khu phố, thôn xóm hàng tuần, hàng tháng thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải, chai lọ, dụng cụ chứa nước mưa, nước sạch để phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh.
Cũng theo bà Lê Thị Kim Thuần, xác định tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch SXH nói riêng, do đó thành phố đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên hệ thống truyền thanh, tư vấn tại cộng đồng và tăng cường lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị tại thôn xóm, tổ dân phố.
Đặc biệt, Trung tâm Y tế thành phố đã trực tiếp viết các bài tuyên truyền trên Đài Truyền thanh thành phố nhằm nâng cao ý thức cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân diệt bọ gậy, loăng quăng, lật úp và thu dọn các vật dụng, phế thải đọng nước xung quanh nơi ở, nơi làm việc, khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi theo phương châm không có bọ gậy, loăng quăng không có sốt xuất huyết. Từ đó ý thức của người dân thành phố được nâng lên, hầu hết đều tự nguyện tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh SXH.
Mặc dù các ca bệnh nội sinh đã được điều trị ổn định, không phát hiện các ca bệnh mới nhưng hiện nay, khó khăn đặt ra cho thành phố Ninh Bình là số bệnh nhân ngoại lai trên địa bàn tương đối đông, trong đó hầu hết là học sinh, sinh viên đi học và người dân đi làm tại Hà Nội và một số vùng dịch, khi mắc bệnh tại các nơi đó nhưng không được điều trị khỏi bệnh do các bệnh viện đều quá tải và chi phí điều trị khá cao nên đã chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nghỉ ngơi theo dõi tại gia đình, do đó nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng dân cư rất dễ xảy ra. Cùng với đó là ý thức của một số ít người dân chưa hiểu rõ về loại muỗi gây bệnh SXH dẫn đến còn chủ quan, lơ là và đôi khi lại lo lắng thái quá trong quá trình phòng, chống dịch bệnh...
Thời gian tới, Trung tâm Y tế thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường làm tốt công tác vệ sinh môi trường, nhất là những ngày sau mưa bão, tập trung cao cho công tác diệt loăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc mới, theo dõi các trường hợp đã mắc bệnh để nắm bắt tình hình. Cùng với đó chỉ đạo đội phòng chống dịch cơ động từ thành phố đến xã, phường sẵn sàng chủ động với các tình huống có thể xảy ra như nhiều người cùng mắc, lây lan bệnh trên diện rộng, bùng phát dịch… Với sự chủ động về mọi mặt trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, thành phố Ninh Bình phấn đấu hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh mới nội sinh, đặc biệt không để phát sinh thành dịch SXH trên địa bàn.