Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/T.Ư ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, hoạt động của Hội Đông y các cấp nói chung, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bốc thuốc tại Phòng chẩn trị Đông y Ninh Bình |
Qua nghiên cứu, quán triệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển nền Đông y và Hội Đông y tại mỗi địa phương, đơn vị. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Y tế đã có thêm điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc phát triển đông y tại các đơn vị.
Ninh Bình đã đầu tư kinh phí xây dựng 1 nhà điều trị 3 tầng cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh quy mô 100 giường bệnh. Đang tiến hành thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện YHCT trị giá 14 tỷ đồng. Củng cố phòng làm việc, phòng điều trị, mua sắm trang thiết bị chẩn đoán, điều trị, bào chế thuốc và máy sắc thuốc cho các khoa, tổ Đông y tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện. Cùng với việc xây dựng “Chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010” và xã đạt “Tiêu chí về y tế giai đoạn 2011 - 2020”, tỉnh đã quan tâm củng cố hoặc xây mới các phòng chẩn trị đông y tại trạm y tế tuyến xã, phường.
Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống Hội Đông y từng bước được hoàn thiện. Hội Đông y tỉnh có trụ sở riêng, được sắp xếp 4 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Kinh phí hoạt động trong 5 năm qua được cấp tăng khoảng 5%. Bên cạnh việc cấp trụ sở làm việc, một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện hàng năm hỗ trợ cho Hội Đông y từ 3 đến 5 triệu đồng để làm kinh phí hoạt động như: huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Ninh Bình. Hiện nay, Ban chấp hành Hội Đông y tỉnh có 19 người, Ban chấp hành Hội Đông y cấp huyện có từ 7-11 người. Toàn tỉnh hiện có 98 Chi hội đông y, tăng 7 chi hội so với năm 2008. Hội đã thu hút 1.115 hội viên, tăng 11,5% so với năm 2008, trong đó có 10 hội viên có trình độ sau đại học, 64 có trình độ đại học…
Những năm qua, Hội Đông y các cấp đã đóng góp tích cực vào việc phát triển nền YHCT của tỉnh như: vận động hội viên trồng cây thuốc nam, tuyên truyền, giáo dục y đức cho hội viên, tham gia xây dựng xã đạt tiêu chuẩn tiên tiến về YHCT, nghiên cứu các đề tài khoa học về YHCT…
Từ năm 2005-2010, Ninh Bình có 3 thầy thuốc nhận giải Hải Thượng Lãn Ông; 2 người nhận danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu cấp quốc gia”. Hội Đông y các cấp đã động viên, khuyến khích hội viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Những năm qua, Bệnh viện YHCT tỉnh và các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện đã đào tạo và thu hút thêm bác sỹ chuyên khoa đông y về công tác. Hiện toàn tỉnh có 30 bác sỹ YHCT, trong đó 1 bác sỹ chuyên khoa cấp II, 3 thạc sỹ, 6 bác sỹ chuyên khoa cấp I và 20 bác sỹ chuyên khoa định hướng YHCT, 106 y sỹ YHCT, 172 lương y… Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Y tế trong 5 năm đã đào tạo 250 y sỹ định hướng YHCT tốt nghiệp ra trường.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh, cơ chế, chính sách cho hoạt động đông y, hệ thống khám, chữa bệnh bằng YHCT đã từng bước phát triển và mở rộng ở cả ba tuyến. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 Bệnh viện YHCT biên chế 100 giường bệnh; 2 khoa YHCT tổng biên chế 30 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Mô), có 6 tổ YHCT lồng ghép với khoa Nội tổng hợp tại Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, thị xã với tổng biên chế 30 giường bệnh. Tổng số giường bệnh YHCT toàn tỉnh là 160 giường, khối y tế tư nhân có 180 phòng chẩn trị đông y và 8 cửa hàng buôn bán đông dược.
Tại cơ sở, các trạm y tế tuyến xã về cơ bản đã có biên chế y sỹ đông y kiêm nhiệm, một số Trạm y tế hợp đồng với lương y đảm nhận công tác khám, chữa bệnh đông y. Với hệ thống đông y được quan tâm kiện toàn, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, thu hút được nhiều bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh YHCT tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều đạt và vượt 100%. Kết quả tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT năm 2012: tuyến tỉnh đạt 12,54%, tuyến huyện 6%, tuyến xã 20,6%. Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT, hoạt động trồng và sử dụng dược liệu được duy trì và đẩy mạnh. Với nòng cốt là Hội Đông y cấp huyện, một số xã ở huyện Kim Sơn và Yên Khánh duy trì và phát triển diện tích, sản lượng trồng cây dược liệu như xã Chính Tâm (Kim Sơn), Khánh Thuỷ (Yên Khánh)...
Tại các xã trên, mỗi năm trồng trên 30 ha cây dược liệu. Đặc biệt, từ 3 năm gần đây đã đưa cây Trạch tả vào trồng trên đất 2 lúa ở vụ đông, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Hầu hết các trạm y tế tuyến xã đều có vườn cây thuốc Nam và ngày càng có nhiều hộ gia đình trồng các cây thuốc Nam trong vườn nhà để sử dụng chữa các bệnh thông thường.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/T.Ư, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển nền đông y và hệ thống đông y trong tỉnh vẫn còn những tồn tại cần quan tâm giải quyết: Đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn YHCT còn yếu, thiếu, nhất là cán bộ có trình độ đại học và sau đại học. Công tác tập huấn chuyển giao nâng cao kiến thức cho đội ngũ thầy thuốc YHCT chưa được thực hiện thường xuyên. Các đề tài nghiên cứu khoa học về YHCT chưa phong phú, hiệu quả ứng dụng chưa cao. Chưa có nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng YHCT được chuyển giao.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền ý nghĩa, tác dụng của cây thuốc Nam, việc trồng và sử dụng cây thuốc Nam chưa thành phong trào. Công tác điều tra thực trạng phân bố dược liệu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch thành lập các khu vực bảo tồn, nuôi trồng, chế biến và kinh doanh dược liệu trong toàn tỉnh chưa được triển khai thực hiện. Việc đầu tư cho YHCT còn quá thấp so với y học hiện đại. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của đơn vị khám, chữa bệnh bằng YHCT và của Hội Đông y cấp huyện còn khó khăn. Hiện chưa có cơ chế, chính sách về mức lương hoặc phụ cấp cho lương y hợp đồng nên chưa có cơ sở để hỗ trợ kinh phí cho các lương y hoạt động tại trạm y tế. Việc triển khai thực hiện chế độ thanh toán bảo hiểm y tế đối với các bệnh nhân điều trị bằng đông y chưa được đầy đủ…
Việc tiếp tục quan tâm thực hiện Chỉ thị 24-CT/T.Ư sẽ là động lực để hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT và hoạt động của hệ thống đông y từ tỉnh đến cơ sở sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, nâng tỷ lệ bệnh nhân được khám, chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến tỉnh 20%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 40% vào năm 2020.