Bệnh Ung thư (K) ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của nhiều người. Theo thống kê của Dự án phòng chống ung thư Quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 người mắc mới. Trên 80% bệnh nhân khi đến khám và điều trị bệnh K thì đã ở giai đoạn muộn, chủ yếu là do chưa có hiểu biết đúng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư. Để giảm tỷ lệ mắc bệnh, phòng tránh bệnh K cần có kiến thức, thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ung thư là một bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân gây K thì tế bào tăng sinh một cách vô hạn, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về mặt phát triển của cơ thể.

Đặc tính chung của bệnh ung thư

Đa số bệnh K hình thành các khối u. Khác với các khối u lành tính chỉ phát triển tại chỗ thường rất chậm, có vỏ bọc xung quanh, các khối u ác tính (ung thư) xâm lấn vào các tổ chức lành xung quanh giống như hình "con cua" với các càng cua bám vào các tổ chức lành trong cơ thể hoặc giống như rễ cây lan trong đất. Các tế bào của khối u ác tính có khả năng di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các tạng ở xa hình thành các khối u mới (ung thư di căn) và cuối cùng dẫn tới tử vong. Cùng với di căn xa, tính chất bệnh K hay tái phát đã làm cho điều trị bệnh khó khăn và ảnh hưởng xấu đến tiên lượng bệnh. Các bệnh bạch cầu (ung thư máu hay bệnh máu trắng) thường không tạo khối u vì các tế bào máu ác tính sinh sôi và lưu hành trong dòng máu.

Ung thư có quá trình phát sinh và phát triển lâu dài qua từng giai đoạn. Trừ một số nhỏ K ở trẻ em có thể do đột biến gen từ lúc bào thai, còn phẩn lớn các K đều có giai đoạn tiềm tàng lâu dài, có khi hàng chục năm không có dấu hiệu gì trước khi phát hiện thấy dưới dạng các khối u. Khi này khối u sẽ phát triển nhanh và mới có các triệu chứng của bệnh. Triệu chứng đau thường chỉ xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn cuối.

Tác nhân gây ung thư

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy chỉ có dưới 10% K phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể như: tổn thương có tính di truyền, rối loạn nội tiết. Có trên 80% ung thư phát sinh có liên quan đến môi trường sống bao gồm: lối sống thiếu khoa học, các thói quen và tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn; các yếu tố liên quan đến môi trường ô nhiễm và liên quan đến nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày nay, người ta biết rõ K không phải do một tác nhân gây ra. Một tác nhân sinh K có thể gây ra một số loại K và ngược lại một loại K có thể do một số tác nhân khác nhau gây ra.

Các dấu hiệu báo trước của bệnh ung thư

Các dấu hiệu sớm của bệnh K cần được tuyên truyền rộng rãi và mọi người cần chú ý những dấu hiệu này. Tuy nhiên nhiều dấu hiệu cũng là biểu hiện của bệnh lành tính, ví dụ như một khối u ở ngực có xác xuất ác tính là 1/10. Nhưng cũng không bao giờ được chậm trễ khi thấy xuất hiện bất cứ một dấu hiệu nào và bạn nên đi khám ngay khi thấy một trong những dấu hiệu sau:

-   Đau không giảm đi sau vài tuần.

-   Có nốt ruồi hay mụn cơm ngày càng to, sẫm màu hoặc chảy máu.

-   Có u cục ở vú hoặc một nơi khác trong cơ thể.

-  Chảy máu bất thường ở âm đạo (đặc biệt là chảy máu giữa hai chu kỳ kinh nguyệt hay sau khi mãn kinh).

-   Nôn hoặc đi ngoài ra máu hay có những thay đổi về hoạt động tiêu hoá kéo dài.

-Đi tiểu ra máu.

-   Kém ăn và rối loạn tiêu hoá kéo dài.

-   Khàn giọng hay ho kéo dài.

-   Khó nuốt.

Phòng bệnh ung thư

Phòng bệnh K là nhằm mục đích làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhờ loại trừ những yếu tố nguy cơ và làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với tác động của quá trình sinh K. Đối tượng của phòng bệnh K là một quần thể dân cư hoặc từng cá thể với những lối sống, thói quen, nghề nghiệp có nguy cơ riêng.

1.  Không hút thuốc lá và nghiện rượu

2.  Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn:

-    Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn: Không nên ăn quá nhiều các sản phẩm thịt đã được chế biến sẵn như thịt ruốc, thịt lợn muối, xúc xích, thịt tẩm hành, hạt tiêu, thịt hộp và lạp xườn (vì chứa chất bảo quản) và một số thức ăn muối và ướp nhu cá muối, dưa muối.

- Hạn chế các món rán, xào, nướng.

- Hạn chế uống rượu, không nghiện rượu: Không uống rượu mạnh, không nên sử dụng thường xuyên. Nên chọn đồ uống không có cồn, sôđa hoặc nước hoa quả tươi.

- Không sử dụng thực phẩm bị mốc, lên men như: gạo mốc, lạc mốc..., dưa cà muối bị khú.

          - Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm nhuộm màu. Để tránh hoặc hạn chế ăn phải món ăn bị nhuộm hóa chất, phẩm màu độc hại cần chọn những sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia.

-    - Ăn nhiều rau tươi, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt: Hành động này sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số loại K. Khi mua rau và hoa quả hãy chọn loại có lá xanh hoặc màu vàng vì có nhiều sinh tố A hơn loại có màu nhạt.

-    - Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì.

3.  Tăng cường hoạt động thể lực, nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để hoạt động thể lực như: đi bộ, chạy bộ, bơi..., có thể giúp giảm nguy cơ K.

4.  Giảm tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt bảo hộ lao động: quần áo, trang bị, hạn chế thời gian tiếp xúc với chất gây K.

5.  Sinh đẻ có kế hoạch và vệ sinh sinh dục: Không đẻ sớm dưới 20 tuổi, không đẻ muộn trên 40 tuổi, không đẻ nhiều con, tránh dùng thuốc chống thụ thai, cho con bú sữa mẹ sẽ giảm được nguy cơ K vú. Quan hệ tình dục an toàn nhằm giảm nguy cơ K cổ tử cung.

6.  Tiêm vắc xin phòng virut gây u nhú ở người (HPV) và viêm gan B.

7.  Chống nắng:

-    Dùng mũ nón, áo dài tay hoặc che ô tránh nắng.

-    Chọn loại kem chống nắng có thành phần chặn tia UVA và UVB. Thoa kem chống nắng giúp bảo vệ da, tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UVA và UVB từ đó sẽ làm giảm nguy cơ mắc K da do ánh nắng mặt trời.

-    Không nên phơi nắng trực tiếp từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

   Phòng bệnh K nếu được thực hiện và đầu tư hợp lý sẽ mang lại tính hiệu quả cao và lâu bền.

 

Tác giả: TT - GDSK