Luật an toàn thực phẩm (ATTP) được Quốc hội khoá XII, ban hành tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010 đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Đạo Luật quan trọng với sức khoẻ người dân có những điểm mới cơ bản nào?

Trước hết là về nguyên tắc quản lý ATTP, theo Pháp lệnh năm 2003 chỉ có nội dung quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP (điều 42) thì Luật ATTP nêu 6 nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm (điều 3) là: bảo đảm ATTP là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm; sản xuất kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; quản lý ATTP phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban  hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng... Đặc biệt nguyên tắc thứ 4 là quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, có nghĩa là quản lý ATTP xuyên suốt chuỗi cung cấp thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn và dựa trên phân tích nguy cơ.
         

 Thứ hai, các hành vi bị cấm: theo Pháp lệnh chỉ có 7 hành vi bị cấm thì nay Luật đưa thêm thành 13 hành vi, trong đó đáng chú ý có 3 hành vi mới bị cấm đó là sản xuất, kinh doanh thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định pháp luật.

 

 

Thứ ba, về xử lý vi phạm pháp luật về ATTP: việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật là đương nhiên. Tuy nhiên Luật ATTP có quy định mới là xử phạt theo lỗi vi phạm và theo giá trị thực phẩm vi phạm, cụ thể là: trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; đồng thời tịch thu tiền do vi phạm mà có. Đây là điểm khác biệt nhất so với Pháp lệnh cũ. Ngoài ra, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cũng được Luật ATTP quy định rõ ràng hơn trong Pháp lệnh. Cụ thể: tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có 6 quyền và 11 nghĩa vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có 5 quyền và 10 nghĩa vụ; người tiêu dùng có 5 quyền và 3 nghĩa vụ.

 

 

Thứ tư, điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm: Điểm khác biệt của Luật so với Pháp lệnh là quy định cụ thể về điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm và điều kiện cụ thể cho từng nhóm thực phẩm (Pháp lệnh VSTATP năm 2003 không quy định); điều kiện đảm bảo an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm. Luật bãi bỏ việc các cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn vệ sinh ATTP mà do tổ chức, cá nhân tự công bố và phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

 

 

Thứ năm, điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm: điểm mới của Luật là quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, giao các Bộ chuyên ngành quy định điều kiện cho phù hợp với từng loại hình; Luật cũng đã phân biệt rõ, quy định riêng biệt đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố để bảo đảm tính khả thi trong quản lý.

 

 

Thứ sáu, việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Luật quy định Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm (theo Pháp lệnh Giấy Chứng nhận không có thời hạn).
        

Thứ bảy, kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với ATTP: Nếu như theo Pháp lệnh cũ chỉ có quy định phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm thì Luật ATTP đã quy định bao gồm cả việc phân tích nguy cơ, phòng ngừa và ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP. Đặc biệt, Luật còn quy định rõ để triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn.

 

 

Thứ tám, quản lý nhà nước về ATTP: so với Pháp lệnh năm 2003 chỉ có 2 điều (gồm điều 42 và 43) ghi các nội dung quản lý nhà nước, ngoài Bộ Y tế, trách nhiệm quản lý của một số bộ, ngành khác và UBND các cấp đang chung chung, khó thực thi áp dụng. Tuy nhiên, theo Luật ATTP, ngoài việc nâng số quy phạm lên thành 5 điều luật (từ điều 61 đến điều 65) Chính phủ cũng giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP; đồng thời quy định trách nhiệm chung và trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công thương và UBND các địa phương trong việc quản lý nhà nước về ATTP, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

 

Nguyễn Thị Hường - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Ninh Bình

 

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hường -