Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mãn tính cùng với rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo, chất đạm. Hệ quả của tăng đường máu mãn tính là làm tổn thương nhiều cơ quan như: mắt, thận, thần kinh, tim mạch...

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 người mắc bệnh đái tháo đường. Từ trước năm 2009, người mắc bệnh phải lên tuyến Trung ương để khám và điều trị bệnh, rất vất vả và tốn kém về chi phí, đi lại. Với việc thành lập và đưa Khoa Nội tiết vào hoạt động từ năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám và điều trị các bệnh nội tiết của người dân trong tỉnh, bệnh nhân bị mắc bệnh đái tháo đường đã có địa chỉ tin cậy để được tư vấn, chăm sóc, khám và điều trị mà không phải lên tuyến Trung ương như trước kia.Bác Phan Thế Minh (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Khi mới mắc bệnh đái tháo đường, tôi phải lên tận Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám và lấy thuốc, đi lại xa xôi, vất vả. Khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Khoa Nội tiết, tháng nào tôi cũng đến để khám, đo lượng đường và lấy thuốc uống rất thuận lợi. Nhiều khi có vấn đề về sức khỏe, tôi chỉ cần vào viện là được tư vấn kịp thời... Được biết, từ khi có Khoa Nội tiết, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh hàng ngày khá đông, trong đó bệnh nhân bị đái tháo đường mãn tính chiếm hơn 70% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị về nội tiết. Với đội ngũ y, bác sỹ không nhiều, chỉ có 5 bác sỹ và chỉ tiêu được giao là 20 giường bệnh, Khoa Nội tiết đã khắc phục khó khăn về việc thiếu nhân lực, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tập thể cán bộ, nhân viên trong Khoa đã cùng nhau nghiên cứu các đề tài khoa học, chịu khó tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc tổ chức đào tạo tại chỗ và cử bác sỹ, điều dưỡng đi học chuyên sâu về nội tiết ở tuyến trên, áp dụng những phương pháp mới trong điều trị, nhằm mang lại kết quả cao, phòng biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ về chuyên môn của bệnh viện tuyến Trung ương theo Đề án 1816, Khoa Nội tiết còn được đón và cùng làm việc với các bác sỹ có chuyên môn cao ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương về luân phiên chuyển giao kỹ thuật mới trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh nội tiết. Qua đó, góp phần giải quyết tốt các trường hợp bệnh nhân khó mà trước kia thường phải chuyển lên tuyến trên. Cùng với công tác điều trị, Khoa cũng quan tâm làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người bệnh về cách thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân. Hàng tuần, Khoa tổ chức 2 buổi tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cách phòng và theo dõi đường huyết theo lịch truyền thông giáo dục sức khỏe của Bệnh viện để giúp người bệnh có thêm kiến thức tự phòng chống bệnh. Đồng thời, việc theo dõi, quản lý bệnh nhân ngoại trú, kiểm soát lượng đường trong máu và dùng thuốc trong giai đoạn bệnh hợp lý, đúng phác đồ được quan tâm thực hiện tốt. Đến nay, Khoa đã khám, quản lý và điều trị được gần 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết, trong đó có 1.197 người mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị ngoại trú...

Cùng với việc được chăm sóc, tư vấn, khám và điều trị tại Khoa Nội tiết thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vừa qua được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hội Người bệnh đái tháo đường tỉnh được thành lập đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường, là tổ chức xã hội tự nguyện để những người mắc bệnh, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến chăm sóc, điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và các bệnh lý liên quan có cơ hội đoàn kết, giúp đỡ, phổ biến, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, tự chăm sóc bệnh đái tháo đường, giảm sự tốn kém về tiền bạc cho gia đình và xã hội, kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Đây cũng là Hội của những người bệnh đầu tiên của tỉnh.