Cận thị lứa tuổi học đường hiện vẫn đang không ngừng gia tăng, đặc biệt là học sinh tiểu học. Nguyên nhân là do sự phát triển của xã hội, học sinh được tiếp cận với các thiết bị điện tử khá phong phú, thời gian học tập nhiều hơn, điều kiện học tập của một số nơi thiếu ánh sáng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bị cận thị - còn gọi là tật khúc xạ học đường.
Xem hình
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo khảo sát của Bệnh viện Mắt tỉnh, hiện nay tỷ lệ học sinh trên địa bàn tỉnh mắc các tật khúc xạ về mắt cao. Qua khám mắt tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy kết quả học sinh bị tật khúc xạ khoảng 12%, riêng cận thị học đường chiếm đến 30%. Đáng chú ý tỷ lệ học sinh lứa tuổi học đường ở các thành phố cao hơn ở khu vực nông thôn. Đây là tỷ lệ đáng báo động, do vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm phát hiện, điều trị kịp thời cho con em, bởi cận thị nặng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ và ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và sinh hoạt của các em.

Tại phòng tập nhược thị Bệnh viện Mắt tỉnh thời gian qua luôn có đông bệnh nhân ở lứa tuổi học đường đến luyện tập, thậm chí có nhiều cháu chưa đến tuổi đi học cũng đã mắc phải tật khúc xạ. Chính vì vậy mỗi dịp đầu năm học mới trẻ cần được khám mắt để đảm bảo trẻ có một đôi mắt khỏe mạnh. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường ở mắt, cần đưa ngay đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Điều đó sẽ giúp bảo vệ thị lực cho trẻ hoặc sớm khôi phục thị lực để tránh di chứng gây giảm thị lực cho trẻ sau này.

Cận thị là một bệnh khá phổ biến, song cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể bị thoái hoá võng mạc, bong võng mạc và mù loà. Đây không chỉ là nỗi lo của riêng các bậc cha mẹ mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Bởi lẽ, có đôi mắt sáng và khoẻ mạnh, trẻ sẽ có sự phát triển toàn diện, khỏe mạnh.

Tác giả: Kim Thoa