Với mục tiêu, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần trong tỉnh ở hai lĩnh vực điều trị nội, ngoại trú và quản lý, theo dõi tại cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động từ tuyến tỉnh đến cơ sở
Xem hình

Với mục tiêu, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần trong tỉnh ở hai lĩnh vực điều trị nội, ngoại trú và quản lý, theo dõi tại cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động từ tuyến tỉnh đến cơ sở như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, khám, xét nghiệm cho bệnh nhân, quản lý theo dõi và điều trị tại địa phương,... Qua đó đã góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ngay từ giai đoạn đầu, giúp cho nhiều người bệnh ổn định, hòa nhập với gia đình và cộng đồng, giảm bớt "gánh nặng" cho gia đình và xã hội ... Năm qua, Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với 08 Trung tâm y tế  huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. 100% Huyện, thành phố, thị xã có cán bộ phụ trách chuyên khoa tâm thần và duy trì Chương trình mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, mạng lưới truyền thông, quản lý, chăm sóc sức tâm thần được củng cố và kiện toàn từ tỉnh đến xã. Thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về sức khỏe tâm thần, tổ chức khám, phát hiện bệnh nhân tâm thần, hướng dẫn gia đình các liệu pháp điều trị để giúp bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Bác Vũ Văn Dung huyện Yên Mô phấn khởi kể lại: “Tôi có con trai bị bệnh đã nhiều năm nay, trước chỉ biết cho uống thuốc, nay được nghe truyền thông giúp trang bị kiến thức; uống thuốc, chăm sóc đúng cách, theo dõi bệnh của con ngay tại nhà, nó đỡ nhiều, ổn định lại làm thợ mộc có thêm thu nhập đỡ đồng rau mắm cho gia đình ”.

 Hiện toàn tỉnh có 146 xã, phường, thị trấn đã duy trì tốt, việc quản lý 4.648 bệnh nhân, trong đó: Bệnh nhân tâm thần phân liệt là 1.443 người, loạn thần nặng khác là 1.239 người và động kinh là 1.966 bệnh nhân. Qua làm tốt công tác quản lý, điều trị ngoại trú đã góp phần quan trọng giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tỷ lệ tái phát bệnh giảm. Đặc biệt, hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần và có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này để phối hợp cùng cơ sở y tế trong việc điều trị cho bệnh nhân khi mắc phải những rối loạn về tâm thần. Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh tâm thần. Bệnh viện tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng toàn tỉnh, tập trung đào tạo, tập huấn ở 3 tuyến; tỉnh, huyện, xã cho không chỉ đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần mà thu hút cả các đồng chí là lãnh đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và người nhà bệnh nhân cùng tham gia với 32 lớp, thu hút 3.200 người. Bác sĩ CK II Đoàn Văn Thoại - Phó Giám đốc sở, GĐ bệnh viện Tâm thần tỉnh chia sẻ “ Thông qua các lớp tập huấn, truyền thông của chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, trang bị cho họ những hiểu biết nhất định về căn bệnh này để cùng phối hợp với các cơ sở y tế trong việc điều trị những rối loạn về tâm thần trong cộng đồng, xoá bỏ đi những thành kiến đối với người bị bệnh, cùng xã hội chung sức làm tốt công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại nơi họ sống”.

Bên cạnh công tác chăm sóc tâm thần tại cộng đồng, bệnh viện còn trú trọng đến nâng cao chất lượng điều trị nội, ngoại trú tại viện. Hàng năm, có trên 500 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại đây. Để có phương án điều trị cho từng đối tượng bệnh nhân đạt hiệu quả, cùng với việc áp dụng các liệu pháp về thuốc, đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện còn áp dụng cả liệu pháp về tinh thần, tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho bệnh nhân, giúp ổn định bệnh tật, giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Đây chính là lộ trình điều trị bệnh tâm thần không chỉ có thuốc mà còn có công tác tổ chức các hoạt động tập thể của các y bác sĩ nơi đây. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện còn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của các bác sỹ thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương theo Đề án 1816 về các kỹ thuật: Củng cố các tiêu chuẩn, mức độ bệnh tật, làm các test tâm lý phục vụ công tác chuẩn đoán bệnh được chính xác, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về chuyên ngành tâm thần... Do đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện có điều kiện trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần. Với những nỗ lực của mình, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh, kết quả điều trị bệnh nhân tâm thần trong toàn tỉnh có những chuyển biến tích cực: Năm 2011, Bệnh viện đã khám được 11.294 lượt bệnh nhân, đạt tỷ lệ 150,6% kế hoạch. Tỷ lệ tái phát hàng năm giảm dưới 3%; số bệnh nhân gây kích động giảm 25%; tỷ lệ bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đầy đủ đạt 95%; số bệnh nhân ổn định bệnh, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tự lao động, làm kinh tế cho bản thân và gia đình đạt tỷ lệ 70,3%. Công tác phòng, chống bệnh tâm thần còn góp phần góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

 

 

Tác giả: Lê Hoàn