Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình tai nạn lao động năm 2017 trên toàn quốc là 8.956 vụ tai nạn (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016), số người bị thương nặng lên đến gần 2000 người và đã làm chết hơn 900 người. Cho thấy đây là một vấn đề quan trọng mà xã hội cần phải quan tâm. Vậy an toàn lao động là gì? Các biện pháp an toàn lao động?
Xem hình
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động. Vậy, An toàn lao động là tất cả các giải pháp, công việc của tập thể hoặc người lao động nhằm giảm nhẹ hoặc chống lại các tai nạn và bệnh nghề nghiệp.                                                                                                                               

Một số biện pháp an toàn lao động, phòng tránh tai nạn lao động:

Thứ nhất, Quản lý và giám sát an toàn lao động: công việc quản lý và giám sát an toàn lao động không chỉ là công việc của người sử dụng lao động mà còn cần sự phối hợp của người lao động và nhiều cấp ngành tham gia, đồng thời phải tiến hành thường xuyên, định kỳ.

Thứ hai, dự báo nguy cơ tai nạn lao động kịp thời để có sự phòng bị hữu hiệu: là biện pháp trực tiếp tác động đến thị giác của người lao động, ví dụ như những nơi có nguy cơ tai nạn lao động cần có biển báo nguy hiểm để người lao động luôn có ý thức nâng cao cảnh giác để phòng tránh tai nạn lao động.

Thứ ba, giáo dục an toàn và phòng tránh tai nạn: biện pháp này được thực hiện chủ yếu thông qua các buổi tập huấn, truyền thông trên loa, đài… thực hiện thường xuyên và đầy đủ thì cả người sử dụng và người lao động cùng nhận thấy được việc cần làm để bảo vệ người lao động ngày một tốt hơn. Điều này tác động đến nhận thức và từ đó thay đổi hành vi của người lao động, là biện pháp bền vững lâu dài trong việc phòng tránh tai nạn cho người lao động.

Cuối cùng, đáp ứng tốt những yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động tại môi trường làm việc và người lao động như: xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình phù hợp với quy định, bảo quản lưu giữ, các loại máy, thiết bị, vật tư…; bắt buộc thực hiện những tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động và vệ sinh lao động theo đúng quy định; việc nhập khẩu các loại trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo an toàn về yếu tố độc hại nơi làm việc theo Luật lao động quy định; trang bị bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện về an toàn lao động và vệ sinh lao động.

Ngày 12/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-TTg đã công bố lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng hành động về ATVSLĐ” , bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Điều này thể hiện nhà nước đã quan tâm đặc biệt đối với vấn đề an toàn cho người lao động. Việc thực hiện tốt an toàn lao động là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như xã hội của nước ta hiện nay./.

Tác giả: Hà Nhi