Ngày nay, các nguồn phóng xạ được sử dụng rộng rãi trong y học, công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu khoa học. Các nguồn phóng xạ này có thể bị thất lạc, bị đánh cắp hoặc thiếu sự kiểm soát thích hợp, do vậy có thể dẫn đến hậu quả làm tổn thương cho những người tiếp xúc với chúng.
Diễn tập ứng phó sự cố phóng xạ - hạt nhân của Viện Y học phóng xạ - U bướu Quân đội |
Theo thống kê của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ năm 1944 – 1999, có 405 vụ tai nạn phóng xạ xảy ra trên thế giới, xấp xỉ 3.000 người bị tổn thương, 120 người chết kể cả 28 nạn nhân vụ nổ ở Chernobyl. Trong những năm qua, số lượng các vụ tai nạn và sự cố liên quan đến nguồn phóng xạ đã tăng lên. Các nạn nhân của các sự cố như vậy không biết rằng mình có thể đã tiếp xúc với phóng xạ. Do đó việc trang bị kiến thức về cách nhận biết, xử trí ban đầu đối với tổn thương do tai nạn phóng xạ là vô cùng cần thiết.
Tổn thương do phóng xạ không có các dấu hiệu và triệu chứng đặc biệt nào. Tuy nhiên, cũng có thể gặp một số dấu hiệu hoặc triệu chứng liên kết với nhau, điển hình cho tổn thương do phóng xạ. Cách nhận biết tổn thương do phóng xạ thông qua các biểu hiện lâm sàng như: sau tiếp xúc tình cờ và mức độ cao với phóng xạ, các tổn thương tiến triển theo thời gian qua những giai đoạn riêng biệt. Khoảng cách và thời gian diễn biến xảy ra tùy thuộc vào liều chiếu. Nếu liều thấp thì không thể quan sát thấy ảnh hưởng của nó. Diễn biến điển hình sau khi bị chiếu xạ toàn thân liên quan tới một giai đoạn tiền triệu chứng ban đầu với những biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, kèm theo sốt và bị ỉa chảy, tiếp theo là một giai đoạn tiềm tàng (triệu chứng âm thầm không biểu hiện rõ) với khoảng thời gian thay đổi khác nhau. Giai đoạn ốm yếu toàn phát được đặc trưng bởi nhiễm trùng, xuất huyết và các triệu chứng về tiêu hóa. Các vấn đề trong giai đoạn này là do sự thiếu hụt các tế bào của hệ thống tạo máu và tiếp xúc với phóng xạ liều cao hơn dẫn tới mất các tế bào biểu mô đường tiêu hóa. Nếu tiếp xúc cục bộ, dựa vào liều chiếu có thể sinh ra các dấu hiệu và triệu chứng trong vùng bị tiếp xúc như đỏ da, phù, khô da và bong vảy ướt, rộp da, đau, hoại tử, hoại thư hoặc rụng lông. Tổn thương da cục bộ tiến triển chậm chạp theo thời gian, thông thường hàng tuần tới hàng tháng, có thể trở nên rất đau đớn và khó điều trị bằng những phương pháp thông thường. Tiếp xúc một phần cơ thể cũng có thể là kết quả của sự kết hợp các triệu chứng khác nhau như đỏ da, phù, khô da... Thể loại và mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào liều chiếu và diện tích phần cơ thể bị tiếp xúc. Hơn nữa, các triệu chứng còn liên quan vị trí của tổ chức và các cơ quan bị tiếp xúc. Đối với nhiễm xạ bên trong cơ thể, thông thường các triệu chứng không xuất hiện sớm, trừ phi bị nhiễm liều rất cao, điều này cực kỳ hiếm gặp.
Khi xem xét tổn thương do phóng xạ cần chẩn đoán phân biệt nếu bệnh nhân có biểu hiện: sự mô tả một tình huống mà có thể dẫn tới việc tiếp xúc với phóng xạ; buồn nôn, nôn mửa, đặc biệt nếu có kèm theo nổi ban đỏ, mệt mỏi, ỉa chảy hoặc các triệu chứng khác mà không thể lý giải được bằng các nguyên nhân khác như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc thức ăn và hoặc dị ứng; các vết thương ở da mà không liên quan tới bỏng do nhiệt hoặc hóa chất; hoặc vết cắn của côn trùng; hoặc tiền sử có bệnh ở da hoặc dị ứng, nhưng với sự bong tróc da và rụng lông trong vùng bị tiếp xúc, xa hơn trước đó nữa là có ban đỏ xảy ra từ 2 – 4 tuần; rụng lông hoặc vấn đề chảy máu (như là đốm xuất huyết, chảy máu nướu răng hoặc là chảy máu mũi) kèm theo tiền sử buồn nôn và nôn mửa 2 – 4 tuần trước.
Khi gặp các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc với phóng xạ, nhân viên y tế có thể đưa ra các câu hỏi như: Anh/ chị đã phát hiện hoặc tiếp xúc với một vật bằng kim loại nào không? Nếu có thì khi nào, ở đâu và cách tiếp xúc như thế nào? Các thành viên trong gia đình hoặc đồng nghiệp có ai xuất hiện các triệu chứng tương tự hay không? Anh/ chị có biết làm sao lại có những tổn thương như thế này không?...
Khi gặp các trường hợp nhiễm phóng xạ, đội ngũ nhân viên y tế cần tiến hành xử trí như: điều trị các tổn thương và cứu sống bệnh nhân như thông thường vì phóng xạ không gây ra những triệu chứng sớm đe dọa tính mạng bệnh nhân và người bị tổn thương do phóng xạ không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bác sĩ. Không sờ bất kỳ vật lạ nào trong số những vật dụng của bệnh nhân và đưa nhân viên cùng bệnh nhân tới một phòng khác cho tới khi bản chất của vật lạ đã được các chuyên gia bảo vệ phóng xạ xác định. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị nhiễm xạ, tránh làm lây lan chất gây nhiễm bằng sử dụng các quy trình cách ly. Liên lạc với cơ quan chuyên trách về bảo vệ phóng xạ để có biện pháp giám sát và xử lý. Tiến hành ngay xét nghiệm công thức máu toàn bộ và thực hiện xét nghiệm lại sau 4 - 6 giờ trong vòng một ngày. Xác định thời điểm giảm số lượng bạch cầu lympho nếu tiếp xúc mới xảy ra. Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu có số lượng bạch cầu và tiểu cầu thấp một cách bất thường thì xem xét khả năng bị tiếp xúc cách đó từ 3 – 4 tuần. Hơn nữa, xét nghiệm máu hàng ngày là cần thiết và nên được tiến hành. Thông báo cho cán bộ y tế chuyên trách và cơ quan bảo vệ phóng xạ nếu tổn thương phóng xạ được chẩn đoán hoặc nghi ngờ.