Năm 2007, dịch Zika bùng phát được ghi nhận tại đảo Yape thuộc Liên bang Micronesia với ước tính tới 73% dân số trên 3 tuổi nhiễm bệnh. Tháng 10, năm 2013 French Polynesia ghi nhận ca mắc đầu tiên và ước tính có khoảng 11% dân số mắc bệnh.
Xem hình
Ảnh minh họa

I. Đại cương về Zika virus

Zika là virus RNA (+) sợi đơn thuộc họ Flaviridae, nhóm Flavivirus. Nhóm Flavivirus bao gồm virus Dengue, virus gây bệnh sốt vàng và nhóm các virus gây viêm não (West Nile encephalitis, Japanese encephalitis, St.Louis encephalitis…). Đặc điểm chung của Flavivirus đều là các bệnh lây truyền từ động vật sang người với trung gian truyền bệnh (vector) là côn trùng tiết túc bao gồm muỗi và mò. Trong đó Zika virus có vector truyền bệnh là muỗi Aedes (chủ yếu là Aedes aegypti, ngoài ra có thể do Aedes albopictus), đây đều là vector truyền bệnh của virus Dengue. Ngoài ra, việc lây truyền virus Zika qua truyền máu, từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục cũng được ghi nhận.

Virus Zika lần đầu tiên được phát hiện là trên khỉ Macana sống tại vùng rừng Zika thuộc Uganda vào năm 1947. Trường hợp ghi nhận trên người đầu tiên là tại Nigeria vào năm 1954. Trước năm 2007 thì sự ghi nhận virus Zika khá rải rác với số lượng ca mắc hạn chế cũng như mức độ ảnh hưởng thấp khi so sánh với các virus thuộc cùng nhóm. Trường hợp bùng phát dịch Zika được ghi nhận trong thời gian này là trên loài khỉ vào năm 1982, tuy nhiên cũng chưa thật sự rõ ràng. Năm 2007, dịch Zika bùng phát được ghi nhận tại đảo Yape thuộc Liên bang Micronesia với ước tính tới 73% dân số trên 3 tuổi nhiễm bệnh. Tháng 10, năm 2013 French Polynesia ghi nhận ca mắc đầu tiên và ước tính có khoảng 11% dân số mắc bệnh. Tháng 5 năm 2015 thì Brazil đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika và cho đến tháng 12 thì Bộ Y tế nước này ước tính số ca nghi nhiễm virus vào khoảng 440.000 – 1.300.000 ca. Cho đến 26 tháng 1 năm 2016 thì theo báo cáo của PAHO (Pan American Health Organization) sự lan truyền virus đã xảy ra ở trên 20 nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Mỹ.

II. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán

1. Triệu chứng lâm sàng 

- Chỉ có 20% bệnh nhân nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

- Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt, mệt mỏi, đau khớp, phát ban và viêm kết mạc. Ngoài ra có thể gặp đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài trong khoảng 2-7 ngày.

- Thời gian ủ bệnh hiện chưa được biết rõ nhưng có thể trong vòng vài ngày cho đến 1 tuần.

- Các biểu hiện nặng của virus Zika bao gồm: viêm não, hội chứng Guillain-Barré.

- Mối liên hệ giữa nhiễm virus Zika và bệnh não nhỏ ở trẻ sơ sinh hiện chưa thật sự rõ ràng.

- Hiện tại chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus Zika.

2. Chẩn đoán 

- Do các triệu chứng không đặc hiệu nên chẩn đoán phân biệt nhiễm virus Zika rất rộng bao gồm: Dengue, leptospira, sốt rét, rubella, sởi cũng như nhiễm các virus khác.

- Việc chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng cũng như yếu tố dịch tễ gợi ý.

- Chẩn đoán xác định nhiễm virus Zika bao gồm kỹ thuật RT-PCR và phân lập virus trong bệnh phẩm máu. Xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể IgM khó cho đánh giá do sự phản ứng chéo với các virus khác trong nhóm Flavivirus như Dengue, sốt vàng…

III. Điều trị

Hiện nay chưa có vắc-xin và điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Zika. Các điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:

- Nghỉ ngơi

- Bù dịch chống mất nước

- Dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol

- Không dùng aspirin và NSAIDs (ibuprofen) cho đến khi loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Trường hợp bị nhiễm virus Zika cần tránh bị muỗi đốt trong vòng 1 tuần đầu của bệnh nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.

IV. Phòng bệnh

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu.

- Hạn chế đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch Zika bùng phát.

- Đối với du khác đến các nước đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần chú ý phòng và tránh bị muỗi đốt bằng cách:

+ Mặc quần áo dài tay

+ Dùng các thuốc xua muỗi

+ Mắc màn khi đi ngủ

- Khách du lịch khi có bất kỳ triệu chứng giống sốt xuất huyết Dengue hoặc nghi ngờ do virus Zika khởi phát trong vòng 3 tuần sau khi trở về vùng dịch cần đến các cơ sở y tế.

- Phụ nữ có thai đã từng du lịch đến vùng có virus Zika lưu hành cần khai báo cho bác sĩ trong quá trình khám thai để có các biện pháp đánh giá và theo dõi thích hợp.