Vi rút HPV (Human Papilloma Virus) có khoảng 100 tuýp khác nhau, trong đó nguy hiểm hơn cả là một số type có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung (type 16 và 18). Dù chỉ 7% người nhiễm HPV tiến triển thành ung thư nhưng ung thư cổ tử cung được xem là bệnh lý nguy hiểm, là một trong nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ, đứng hàng thứ hai sau ung thư vú.

Đáng chú ý, khả năng lây nhiễm nhiễm HPV lại rất cao (hơn 50% số người ở tuổi có hoạt động tình dục có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần). Các nghiên cứu cũng cho thấy virus HPV là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư cổ tử cung, căn bệnh mỗi năm làm cho khoảng 490 nghìn phụ nữ trên toàn cầu mắc bệnh ung thư cổ tử cung và hơn 270 nghìn phụ nữ tử vong. Các phân tích về bệnh học đã chứng minh được rằng HPV có mặt trong 99,7% trường hợp ung thư tế bào gai ở cổ tử cung.

Ở nước ta, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới phát hiện và khoảng 3.000 trường hợp tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở một số quận nội thành TP Hồ Chí Minh là 10,9% và ở Hà Nội là 2%. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ HPV ở phụ nữ trên 25 tuổi là cao nhất (22,3%). Còn theo khảo sát về virus HPV của Th.S.BS Lê Thị Kiều Dung cùng đồng nghiệp tại 20 phường, xã tại 10 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh cho thấy có 10.84% phụ nữ trong nhóm nghiên cứu nhiễm HPV. Virus HPV có khả năng lây lan dễ dàng và rộng rãi do hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có biểu hiện triệu chứng. Hơn nữa, phần lớn người nhiễm không hay biết mình nhiễm nên vô tình truyền bệnh cho bạn tình. Nam cũng như nữ đều có khả năng bị HPV tấn công. Riêng ở nữ giới, nguy cơ nhiễm cao nhất là ở thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục và nhiều trường hợp nhiễm dai dẳng, tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Nếu các tổn thương này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỉ lệ lành khá cao.

Trong cộng đồng không biết ai là bị sẽ nhiễm HPV và ai sẽ tiến triển thành ung thư, cho nên tiêm văcxin là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất căn bệnh này. Từ năm 2007, Viện vệ sinh dịch tễ đã được Bộ Y tế phê duyệt đề án đánh giá bằng chứng tác động của HPV khi đưa vào tiêm chủng mở rộng. Việt Nam là một trong bốn nước được chọn thực hiện dự án nhằm đưa ra mô hình khuyến cáo sẽ triển khai tiêm HPV như thế nào trong chương trình TCMR trong tương lai. Giai đoạn hai từ 2008 – 2010, Viện đã tiến hành tiêm vắcxin cho 6.000 trẻ của hai huyện Quang Hóa và Nông Cống (Thanh Hóa) và hai phường Bình Thủy, Ninh Kiều (Cần Thơ). Trong hai năm với 18.000 mũi tiêm được đánh giá đạt kết quả tốt, được Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) đánh giá cao và Việt Nam đủ điều kiện xin lãnh đạo GAVI tài trợ vắcxin này. Bởi một trong các điều kiện để nhận tài trợ vắc xin là nước đó phải đã từng triển khai vắc-xin này, chứng minh có sự bao phủ cao và triển khai trên thực tế, không ảnh hưởng đến hệ thống tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, hỗ trợ của GAVI là có điều kiện. Đó là chỉ hỗ trợ những nước nghèo có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500 USD/ năm: đồng thời phải bảo đảm cam kết duy trì triển khai vắcxin này trong nhiều năm tới. Đó là một vấn đề rất khó khăn bởi nếu tính ra tiền chi cho vắc xin HPV trong một năm sẽ phải chi khoảng 720 tỷ đồng.

PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong chiến lược phòng chống ung thư cổ tử cung, tiêm vắcxin là biện dự phòng chủ động tốt nhất nhưng cũng chỉ là một trong các biện pháp của chiến lược tổng thể. Bên cạnh đó, mọi người dân cần tiến hành các biện pháp giáo dục sức khỏe, nâng cao kiên thức về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HPV và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thực hiện hành vi an toàn trong tình dục. Hơn nữa, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, cần thường xuyên đi khám phát hiện sớm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung để điều trị sớm trước khi phát triển thành ung thư.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK