Những ai nuôi con nhỏ thì chắc chắn đã nghe về thuốc cam, một loại thuốc dân gian được truyền tai nhau là “kỳ diệu”, có thể dùng để chữa rất nhiều bệnh tật cho trẻ nhỏ. Ngoài công dụng chữa tưa lưỡi, táo bón, nhiệt miệng, thuốc cam còn được cho rằng có thể kích thích ăn uống, trẻ uống thuốc cam sẽ tránh được các bệnh tật và hay ăn chóng lớn. Tuy nhiên, gần đây dư luận xôn xao về hiện tượng trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Cuộc trao đổi với Bác sỹ, chuyên khoa cấp I YHCT Đoàn Ngọc Quý - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Ninh Bình sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Ông, hiện nay dư luận xôn xao về việc nhiều trẻ em dùng  thuốc cam bị ngộ nhiễm chì, gây hoang mang cho nguời dân. Vậy xin ông cho biết thuốc Cam là gì? Tác dụng của nó với trẻ nhỏ như nào?

Bác sỹ :  Theo YHCT thuốc Cam là thuốc điều trị chứng Cam.Từ cam được hiểu theo 2 cách: Một là cam (ngọt), chỉ trẻ em ăn nhiều chất béo ngọt, dần dần tich lại thành cam. Hai là cam (khô) chỉ chứng cam thường biểu hiện tân dịch của tỳ vị bị khô cạn. 

YHCT chia ra 5 chứng Cam tương ứng với chứngCam ở ngũ tạng: Tâm cam, Can cam, Tỳ cam, Phế cam và Thận cam. Thể hay gặp nhất là Tỳ cam: triệu chứng là trẻ mặt xanh, da vàng, kém ăn, ít ngủ, bứt rứt, bồn chồn hay quấy khóc, đại tiện táo như phân dê, có khi đi lỏng, sống phân. Lâu ngày không chữa thì tĩnh mạch bụng, chân tay, trán nổi lên màu xanh, vùng quanh rốn cứng, sắc mặt xanh nhợt, hốc hác, toàn thân gầy còm, bụng ỏng, đít beo, da khô sáp, mắt đỏ, lấm ghèn, gỉ; hoặc miệng mũi lở loét, chảy dãi hôi tanh.

 Nguyên nhânthường do ăn nhiều chất béo ngọt không tiêu hóa được, tích lại làm tổn thương tỳ vị, hoặc nhiều giun. Các thứ tích lâu ở trong hóa nhiệt rồi thương âm gây nên; Hoặc  các bệnh khác làm tổn thương tỳ vị gây nên.

 Riêng chứng bệnh cam tẩu mã (nha cam - cam miệng; tỵ cam - cam ở mũi; nhĩ cam - cam ở tai...) thường do trẻ suy nhược kéo dài, giảm sức đề kháng dẫn đến viêm nhiễm hoại tử ở miệng, mũi, tai... Bệnh cấp tính, diễn biến nhanh, có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề.

Phóng viên: Tại sao trong thuốc Cam có hàm lượng chì? Hàm lượng chì trong thuốc Cam ở mức cho phép là bao nhiêu?

Bác sỹ: Trước tiên phải khẳng định rằng trong các loại thuốc Cam dạng uống theo đúng cổ phương không được phép có chì.

Các bài thuốc cổ phương trong các sách YHCT chữa chứng Cam thường chỉ dùng để uống, cấu tạo bài thuốc chủ yếu là các vị thảo dược, không có thành phần của chì hoặc các khoáng vật chứa chì. Chỉ có chứng Cam miệng đặc biệt là “Cam tẩu mã” tức là bệnh viêm miệng hoại tử trên cơ thể trẻ suy dinh dưỡng là có dùng thuốc bôi xát những chỗ lở loét, trong thành phần có Duyên đơn, Duyên phấn, Hồng đơn, Mật đà tăng là những khoáng vật có chứa chì và một số kim loại nặng khác dưới dạng bôi hoặc làm cao dán mụn nhọt.  Do thiếu hiểu biết, một số người cho rằng các khoáng vật trên bôi vào miệng sẽ chữa khỏi bệnh tay - chân - miệng nên đã sử dụng, thậm chí “điếc không sợ súng” lại làm thành dạng bột (tán), hoàn (viên) để uống chữa chứng Cam. Chính vìvậy dẫn đến ngộ độc chì. Các thuốc Cam chứa chì này chủ yếu do những người không được đào tạo về YHCT, chỉ hành nghề theo kinh nghiệm gia truyền và thường là hành nghề không có giấy phép của ngành Y tế.

Hàm lượng chì giới hạn cho phép trong thuốc, thực phẩm là dưới 10 phần triệu (10 microgam/dL).

Phóng viên: Tại sao khi trẻ nhỏ dùng thuốc cam lại có hiện tượng ngộ độc chì, thậm chí có trường hợp đã tử vong? 

 Bác sỹ: Như trên đã nói do trẻ dùng thuốc Cam được bào chế sản xuất không đúng quy định, không đúng công thức nên trong thành phần mới có chì. Khi uống hoặc bôi thuốc có chì kéo dài vào cơ thể sẽ tích lũy dần gây ngộ độc chì mạn tính. Nếu uống một lượng chì lớn sẽ gây ngộ độc chì cấp tính.

Ngộ độc cấp tính: Biểu hiện sau 02 - 48 giờ, thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận như: mệt mỏi, vàng da, đái ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, urê, creatinin máu tăng dần. Ngoài ra có thể gặp các dấu hiệu khác về thần kinh trung ương như đau đầu, kích động, ảo giác nhưng thường ít gặp hơn. Tại các bệnh viện có điều kiện xét nghiệm có thể định lượng thấy nồng độ chì trong máu tăng (mức bình thường là dưới 10 microgam/dL, mức lý tưởng là không có chì trong máu).

Với ngộ độc chì ở trẻ em, thường có biểu hiện đau bụng, thiếu máu, liệt chi, tổn thương não như viêm não do chì (vô cảm, rối loạn ý thức, có thể có co giật...), đôi khi có biểu hiện của bệnh cảnh tăng áp lực nội sọ, tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số trường hợp trẻ bị co giật nên dễ nhầm với bệnh động kinh, ảnh hưởng nhiều đến trí não, rất khó hồi phục về trí tuệ, có thể dẫn đến tử vong.

Phóng viên:Vậy xin ông cho biết tình hình sử dụng thuốc cam trên địa bàn tỉnh ta?

Bác sỹ:  Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình qua phản ảnh của nhân dân và qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện một số cá nhân bào chế, bán lẻ thuốc Cam trái phép. Tại một số Phòng Chẩn trị YHCT đã được cấp giấp phép cũng có bán thuốc Cam. Sở Y tế đã lấy mẫu thuốc Cam tại các cơ sở trên gửi Viện Kiểm nghiệm Dược phẩm TW kiểm nghiệm. Kết quả đã phát hiện ra 03/10 mẫu có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Các mẫu này lại rơi vào các cơ sở hành nghề thuốc Cam gia truyền chưa có giấy phép hoạt động và người hành nghề chưa được đào tạo kiến thức chuyên môn YHCT một cách bài bản.

- Đã có 01 bệnh nhi thuộc gia đình Công giáo tại thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, Hoa Lư bị ngộ độc chì do dùng thuốc Cam không rõ nguồn gốc và công thức bào chế. Được BV Sản Nhi tỉnh NB phát hiện và chẩn đoán, do tình trạng nặng nên được chuyển lên BV Nhi TW nhưng sau đó tử vong. Ngoài ra còn một số ca mắc ngộ độc nhẹ đã được điều trị ổn định ra viện.

- Một hiện tượng nữa là trong dân gian hay dùng thuốc chữa Sài. Thực ra Sài không phải là một chứng bệnh trong YHCT. Nhiều bà mẹ thấy con chậm lớn, hay quấy khóc, ngủ hay giật mình, hay ra mồ hôm trộm... cho là con mình bị sài, thực chất là do cơ thể và hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên rất nhạy cảm với các yếu tố kích thích. Một số người tự ý bào chế thuốc sài trong đó có sử dụng Chu sa, Thần sa, Duyên đơn... là những vị thuốc trọng trấn, an thần trong YHCT có chứa kim loại nặng như Thủy ngân, Chì, A sen.... nếu dùng lâu sẽ tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc rất nguy hiểm.

Phóng viên:Vậy Sở Y tế đã có biện pháp gì để kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc Cam ?

Bác sỹ:  Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh SYT đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở KCB, bào chế, buôn bán thuốc YHCT đặc biệt lưu ý các cơ sở có bán thuốc cam, lấy mẫu kiểm nghiệm. Đồng thời chỉ đạo hệ thống Y tế tăng cường công tác truyền thông phòng chống ngộ độc chì. Đã xử lý đình chỉ hoạt động 02 cơ sở bào chế, bán lẻ thuốc Cam có chứa hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Yêu cầu gia đình tự tiêu hủy toàn bộ thuốc và nguyên liệu bào chế thuốc trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Giao cho cơ quan Y tế và chính quyền địa phương tiếp tục giám sát thực hiện. Tiếp tục thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định và đình chỉ các cơ sở hành nghề KCB và buôn bán, bào chế thuốc trái phép; các cơ sở bán thuốc Cam có chứa hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép.

Phóng viên: Ông có  khuyến cáo gì đối với người dân khi sử dụng thuốc Cam?

Bác sỹ: Chứng Cam thực chất là tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài ở trẻ em và gây ra các biến chứng khác nhau; vì vậy nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường nhân dân nên đưa trẻ đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hợp pháp (Trạm Y tế, Phòng khám, Phòng chẩn trị YHCT, bệnh viện...) để được chẩn đoán, điều trị chính xác, kịp thời. Hiện nay toàn bộ trẻ dưới 06 tuổi đều được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Không tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ em.

Hết sức tránh dùng các loại thuốc Đông y như thuốc cam, sài, tưa lưỡi có nguồn gốc không rõ ràng, các thuốc bán rong, các thuốc trong thành phần có chứa các vị như Hồng đơn, Duyên đơn, Chu sa, Thần sa không được bào chế và khử độc an toàn.

Các cấp Hội Đông y cần tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên không bào chế, buôn bán, sử dụng các thuốc có chứa Hồng đơn, Duyên đơn, Chu sa, Thần sa.

Các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng cần phối hợp tích và chặt chẽ hơn nữa với ngành Y tế trong việc quản lý hành nghề y dược tư nhân. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở hành nghề bất hợp pháp; các cá nhân bán thuốc rong, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc cam sài gia truyền không đăng ký thành phần công thức cấu tạo bán tại các chợ quê và lưu hành tại các nơi khác trên địa bàn./.

Phóng viên: Xin cảm ơn!

Thu Minh thực hiện