Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), học sinh trong độ tuổi (từ 6-18 tuổi) là thời điểm phát triển nhanh về thể lực.
Vì vậy, nhu cầu về các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng của lứa tuổi này rất cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng, nhất là thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, i ốt) ở lứa tuổi học sinh sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể lực, chiều cao, trí lực (khả năng học tập). Những sai lầm thường gặp trong ăn uống ở lứa tuổi này sẽ ảnh hưởng rõ rệt, lâu dài đến sức khỏe như: Ăn quá nhiều, kiêng ăn, ăn vặt ngoài hàng quán, ăn không đúng giờ giấc, uống ít nước, uống nước ngọt có gas, rượu, bia…
Để bảo đảm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi ngày các em học sinh cần ăn đủ 3 bữa với tỷ lệ năng lượng nên phân phối: Bữa sáng (30-35%), bữa trưa (35-40%) và bữa tối (20-25%). Bữa sáng nên ăn vào lúc 6h - 7h và coi như bữa ăn chính. Bữa trưa cần ăn no, nên ăn vào lúc 11h - 12h. Còn bữa tối nên ăn từ 19h - 20h và không nên ăn no quá. Nếu các em học ôn thi khuya, có thể ăn thêm một bữa phụ với các thức ăn dễ tiêu (sữa, bánh ngọt, chuối…).
Hanoimoi