Loét dạ dày tá tràng có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khá phức tạp, có sự tham gia của nhiều yếu tố, trong đó ảnh hưởng của dịch vị dạ dày mà trực tiếp là acid HCl ở dạ dày đóng vai trò quan trọng. Mặc dù trong thời gian gần đây, sự ra đời của nhóm thuốc ức chế bơm proton đã mang lại tiến bộ rõ rệt trong điều trị, nhưng không phải ở đâu và không phải lúc nào cũng có thể sử dụng.
Histamin có ở nhiều mô như thành mạch, khí quản, tim... |
Do đó, chúng ta vẫn phải nhắc đến vai trò và các tác dụng của một nhóm thuốc khác trong điều trị giảm tiết acid dạ dày – nhóm thuốc kháng histamin H2 mà thành viên nổi bật là cimetidin.
Các thuốc thường được sử dụng
Sau khi thử nghiệm hơn 700 hợp chất, cimetidin (biệt dược tagamet) là thế hệ đầu tiên của thuốc kháng H2, ra đời năm 1976; được phép bán ở thị trường vào tháng 8/1977, nhanh chóng được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong điều trị loét dạ dày tá tràng, có tác dụng cắt cơn đau nhanh, liền sẹo khoảng 80% sau 6 tuần điều trị. Cimetidin nhanh chóng trở thành thuốc chống loét được ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi. Kể từ đó đến nay, cimetidin trở thành một trong những thuốc được kê đơn phổ biến nhất, chỉ đứng sau ranitidin.
Tháng 6/1983, ranitidin - một ức chế thụ thể H2 thứ 2 được chấp nhận, thuốc có cấu trúc hơi khác với cimetidin, gây giảm tiết dịch vị gấp 5 - 10 lần cimetidin khi sử dụng cùng liều. Tuy nhiên, thuốc cũng không làm thay đổi diễn tiến tự nhiên của bệnh. Sau đợt điều trị ngắn hạn mà dừng thuốc, tỷ lệ tái phát là 50% trong vòng 6 tháng, 85% tái phát sau 1 năm. Thuốc có ít tác dụng phụ hơn cimetidin, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt, ngứa..., ngừng thuốc thì hết.
Tháng 10/1986 và tháng 8/1988, famotidin và nizatidin lần lượt được chấp nhận, có tác dụng mạnh hơn và ít tác dụng phụ hơn cimetidin rất nhiều.
Chỉ định điều trị
Do công thức gần giống với histamin, các thuốc kháng histamin H2 tranh chấp với histamin tại receptor H2 và không có tác dụng trên receptor H1. Tuy receptor H2 có ở nhiều mô như thành mạch, khí quản, tim nhưng thuốc kháng histamin H2 tác dụng chủ yếu tại các receptor H2 ở dạ dày. Thuốc kháng histamin H2 ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn, gastrin, bài tiết cơ sở). Do đó, nó không chỉ ức chế sau khi kích thích bằng histamin mà còn cả sau kích thích bằng gastrin hoặc acetylcholin. Liều lượng nhằm làm giảm tiết acid tương đương hiệu quả của cắt dây X (dây thần kinh phế vị).
Tác dụng của thuốc kháng histamin H2 phụ thuộc vào liều lượng, thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl trong dịch vị.
Vì vậy, thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
Loét dạ dày-tá tràng lành tính, kể cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid. Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Hội chứng tăng tiết acid dịch vị (hội chứng Zollinger - Ellison).
Làm giảm tiết acid dịch vị trong một số trường hợp loét đường tiêu hóa khác có liên quan đến tăng tiết dịch vị như loét miệng nối dạ dày-ruột.
Làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nóng rát, khó tiêu, ợ chua) do thừa acid dịch vị.
Làm giảm nguy cơ hít phải acid dịch vị khi gây mê hoặc khi sinh đẻ (hội chứng Mendelson).
Chống chỉ định và thận trọng
Chống chỉ định trong những trường hợp: quá mẫn với thuốc.Thận trọng: trước khi dùng thuốc kháng histamin H2, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt ở người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư; Có nhạy cảm chéo giữa các thuốc trong nhóm kháng histamin H2.
Dùng thận trọng, giảm liều và/hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc ở người suy thận; Thận trọng ở người suy gan, phụ nữ có thai và cho con bú (ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú).
Tác dụng không mong muốn
Các chất đối kháng H2 có tính chất giống nhau, nó đã được chấp nhận rộng rãi, tuy nhiên, cimetidin dường như gây ra tương tác với các thuốc chuyển hóa ở gan hơn các thuốc khác.
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp những triệu chứng bất thường do thuốc gây nên như: tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, ngủ gà, lú lẫn, trầm cảm, kích động… hay chứng to vú ở đàn ông, bất lực ở đàn ông, tăng men gan. Viêm gan mạn tính, vàng da, rối loạn chức năng gan, viêm tụy có thể xảy ra. Các phản ứng này cũng sẽ khỏi khi ngừng thuốc… Đây là những tác dụng phụ của thuốc, những triệu chứng này có thể gặp ngay cả ở liều điều trị.
Ngoài ra, các thuốc thuộc nhóm này còn gây tương tác với rất nhiều thuốc khác, vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị.