Rau mồng tơi là món ăn không thể thiếu khi trong người nóng nực sinh ra táo bón. Bà con chỉ biết đến tác dụng nhuận trường của mồng tơi, nhưng mồng tơi còn nhiều tác dụng khác.
Rau mồng tơi tên khoa học là Basella rubra, họ Mồng tơi.
Rau mồng tơi còn có các tên mùng tơi, tầm tơi, tên Hán là lạc quỳ, chung quỳ, yên chi thái, đằng thái.
Theo Đông y, mồng tơi có vị chua ngọt, không độc, tính lạnh, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hoạt tràng...
Trị táo bón: mồng tơi 200 - 500g, thêm gia vị luộc ăn. Tính hoạt trường của rau mồng tơi nhờ chất nhày làm cho phân mềm, chất xơ kích thích nhu động ruột.
Hoặc dùng rau mồng tơi luộc chấm muối mè (vừng). Rau mồng tơi làm cho phân mềm, chất dầu của vừng làm cho phân trơn. Cả hai hiệp đồng là một cặp kết hợp rất thích hợp trị táo bón. Sử dụng vài ngày là đại tiện sẽ thông, không còn táo bón.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiều người bị táo bón, một bài thuốc rất đơn giản bằng rau mồng tơi là lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống một lần.
Trị táo bón lâu ngày gây thoát giang: lá mồng tơi, lá vông non mỗi thứ 30g, rễ đinh lăng 20g, củ mài 12g (thái mỏng sao vàng), vừng đen 30g (rang nổ), sắc với 600ml nước còn 300ml. Người lớn chia 2 lần, trẻ em tùy tuổi dùng ít hơn.
Trị trĩ: lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái), rất hiệu nghiệm.
Trị đại tiện ra máu kinh niên (lâu ngày): rau mồng tơi 30g, gà mái già 1 con (bỏ đầu, chân, nội tạng) hầm lên ăn. Chú ý khi thịt gà chín mới cho mồng tơi vào, nấu thêm 20 phút bắc ra là ăn được. Hiệu quả rất tốt.
Trị đầy bụng: rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1 củ (bóc vỏ thái nhỏ) nấu canh ăn vài ba ngày. Hoặc dùng 4 loại rau sau đây với lượng bằng nhau nấu canh: mồng tơi, đay, rau khoai, rau má.
Có người vào mùa hè và đầu thu, cảm thấy trong người phiền muộn, trong bụng nóng bức, đại tiện táo bón, miệng hôi, mắt đỏ, uống nước liên miên, ngứa ngoài da, thậm chí nổi lên những đốm đỏ, chỉ cần ăn vài lần mồng tơi nấu với đậu hũ thì đại, tiểu tiện sẽ thông suốt, tất cả các chứng trên cũng sẽ biến mất.
Trị kiết lỵ: nếu do trường vị có “thấp nhiệt” gây nên kiết lỵ, lúc đầu, trong ngày đi tiêu mười mấy lần, lúc đi tiêu hậu môn cảm thấy nóng rát, bụng đau rất khó chịu, đi tiêu rồi vẫn cảm thấy chưa ổn, mỗi lần đi tiêu lượng phân không nhiều, chỉ có một chút nước bọt màu vàng, miệng hôi, đắng, mắt đỏ, muốn uống nước, sợ nóng thích mát, bụng, ngực cảm thấy bồn chồn khó chịu, nấu nhiều rau mồng tơi trên lửa nhỏ thật lâu, làm canh để ăn, sẽ có hiệu quả tốt. Rau mồng tơi có tính chất nhuận hoạt, có thể thanh trừ chất thấp nhiệt ứ ở trong trường vị, nhờ đại, tiểu tiện bài tiết ra ngoài, cho nên trị được bệnh kiết lỵ. Mồng tơi tuy tính chất hàn lương, nhưng chỉ cần nấu lâu, tính mát lạnh sẽ giảm, cho dù người sức khỏe hơi kém, nếu không ăn quá nhiều thì cũng không sao. Nhưng nếu chỉ luộc sơ mà uống, dạ dày dễ bị lạnh, uống vào sẽ bị nôn mửa.
Giảm chất béo, cholesterol: chất nhầy của rau mồng tơi có tác dụng hấp thu cholesterol trong muối mật và trong thực phẩm: cholesterol nội sinh và ngoại sinh đều bị giữ lại trong ruột. Vì cholesterol bị khóa hoạt tính nên chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột, cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân.
Giảm thân trọng: người mập phì muốn giảm thân trọng nên ăn rau mồng tơi vì nó có khả năng sinh nhiệt thấp, lại thông tiểu và nhuận tràng.
Tán nhiệt vào những ngày nóng nực: mồng tơi có tác dụng tán nhiệt, vì vậy, nên ăn mồng tơi vào mùa nóng nực. Nên nấu canh mồng tơi với cua, đây là một cặp kết hợp hay vì cả hai món này đều giải nhiệt. Người có tỳ vị hư hàn (đầy bụng), bệnh mới khỏi, phụ nữ mới sinh không nên ăn canh cua mồng tơi nhưng có thể ăn món canh mồng tơi nấu với thịt heo và đậu hũ. Đậu hũ tạo tủa pectat calci trong nồi canh nóng, giảm tính hàn.
Mùa hè, đối với người làm việc dưới ánh nắng mặt trời, thường do ra mồ hôi quá nhiều, ảnh hưởng đến tiểu tiện không bình thường, nước tiểu màu vàng mà lượng nước lại ít, lúc đi tiểu đường tiểu có cảm giác nóng rát, và đại tiện thì táo bón. Gặp trường hợp này, dùng 50 - 100g mồng tơi nấu canh ăn, không những có thể làm cho đại tiểu tiện trở lại bình thường, mà còn có thể giải trừ thử nhiệt, phòng ngừa bệnh nóng sốt xảy ra.
Trị nhức đầu do đi nắng: lá mồng tơi giã nhuyễn lấy nước uống, bã đắp vào 2 bên thái dương băng lại.
Trị trong ngực bồn chồn, đầy tức: mồng tơi 60g sắc lấy nước đặc, hòa thêm chút rượu trắng uống khi nước còn ấm.
Trị chảy máu mũi (chảy máu cam) do huyết nhiệt: mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên bệnh.
Tăng sữa cho sản phụ sau sinh: phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt sẽ rất tốt cho thai phụ… Món ăn nấu từ mùng tơi với gà ác, đậu đen ninh nhừ ăn nóng sẽ giúp sản phụ nhiều sữa, mau hồi phục sức khỏe lại có làn da hồng hào, tóc đen mượt.
Trị khí hư, suy nhược: gà ác 1 con, lá mồng tơi 1 nắm, đậu đen 1 nắm, ninh nhừ ăn nóng cả nước và cái. Mỗi tuần ăn 1 - 2 lần. Khi thấy có kết quả, cho thêm một nắm đậu nành, 2 nắm đậu phộng, vừa ngon miệng vừa có tính bồi bổ. Món này giúp phụ nữ bồi dưỡng sau sinh và làm cho da hồng hào, tóc đen mượt. Người bị đau dạ dày, ợ chua ăn cũng tốt.
Bổ dương cường thận: canh rau mồng tơi phối hợp với tôm.Tôm tươi bóc vỏ bỏ đầu ướp hành muối xào sơ, chế nước dùng sôi cho rau mồng tơi sôi lại, ăn mỗi tuần 2 - 3 lần.
Trị yếu sinh lý: rau mồng tơi, rau ngót, rau má, bộ lòng gà hay vịt, nấu canh ăn nóng sẽ giúp trị chứng yếu sinh lý ở nam giới rất hiệu quả.
Trị di mộng tinh: rau mồng tơi, đậu nành, đậu phộng, mỗi thứ một nắm (50g) nấu với 1 - 2kg xương heo (xương ống tốt hơn). Hầm kỹ xương heo trong nồi áp suất rồi mới cho đậu phộng vào, cuối cùng cho rau mồng tơi, nấu thêm 10 phút. Ăn nóng, ăn xong uống nước nóng.
Trị hoạt tinh: trường hợp tinh xuất quá nhanh và sau giao hợp thường bị mệt mỏi đuối sức, xanh xao, lấy rau mồng tơi 1 nắm, rau dền tía 1 nắm, nấu với một đôi bầu dục heo hoặc dê (để nguyên lớp mỡ và vỏ bọc), ăn nóng. Ăn xong uống nước trà gừng nóng. Trước khi đi ngủ ăn 1 thìa vừng đen đã rang thơm, nhai kỹ nhuyễn rồi nuốt, sau đó uống 1 chén nước cơm rượu.
Trị tiểu tiện không thông, tiểu dắt, tiểu nhỏ giọt (do nhiệt): 100g mồng tơi, sắc nước uống trong ngày thay trà, có hiệu quả tốt.
Trị tiểu tiện buốt nóng: lá mồng tơi 1 nắm, giã nhuyễn, lấy nước cốt pha thêm nước, chắt lấy nước, uống nóng với ít hạt muối, bã đắp vùng bàng quang (bụng dưới).
Trị bỏng (lửa, nước sôi…): dùng mồng tơi tươi giã nát, lấy nước bôi lên chỗ da bị bỏng sẽ mau lành.
Trị vết thương phần mềm: mồng tơi trộn với đường phèn, giã nát, đắp vào chỗ bị thương sẽ giúp cầm máu, vết thương mau lành.
Trị chứng huyết vận (da sưng đỏ do máu tụ lại): mồng tơi 12 - 20g, muối 2g, giã nát, đắp ngày 2 lần.
Giúp da tươi nhuận, hồng hào: lá mồng tơi còn có tác dụng dưỡng da. Ăn rau mồng tơi giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Hoặc để dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt, chống thô ráp có thể lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.
Để da tươi nhuận hồng hào: dùng rau mồng tơi nấu canh với cá trê vàng, mỗi tuần ăn 1 lần.
Rau mồng tơi tính mát lạnh, vì vậy dùng cẩn thận với người hay bị lạnh bụng, đại tiện lỏng. Để bớt lạnh, nên nấu kỹ.
Lá mồng tơi có tác dụng dưỡng da. Ăn rau mồng tơi giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Hoặc để dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt, chống thô ráp có thể lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.