Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid -19, tiến tới thanh toán dịch Covid -19, cùng với các biện pháp phòng chống dịch như: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; thần tốc truy vết, mở rộng xét nghiệm; chủ động, quyết liệt ứng phó trong mọi tình huống và thực hiện tốt 5K thì việc sản xuất và sử dụng vắc xin sẽ là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và phòng ngừa đại dịch Covid - 19.Vì vậy việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động trở nên cấp bách tại mỗi quốc gia. 

Trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết: Trong những ngày gần đây tình hình dịch Covid -19 ở nước ta đang diễn biến vô cùng phức tạp và Bộ Y tế khuyến cáo chìa khóa để giúp chúng ta dập dịch thành công là người dân phải tuân thủ khuyến cáo 5K + vắc xin. Như thế thì vắc xin có vai trò vô cùng quan trọng là một trong các biện pháp giúp chúng ta khống chế dịch bệnh trong thời điểm này.

          Mục tiêu của Bộ Y tế là đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có khoảng 150 triệu liều vắc xin được nhập về Việt Nam tiêm cho khoảng 70-80% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng. Các loại vắc xin được nhập về bao gồm vắc xin Astrazeneca được sản xuất tại Anh, Hàn Quốc, Singapo, vắc xin Pfizer được sản xuất tại Bỉ, Đức, vắc xin Moderna được sản xuất tại Tây Ba Nha, Pháp. Đây đều là các vắc xin hàng đầu đang được các nước sử dụng rất là nhiều và đã góp phần khống chế dịch thành công ở một số nước.

          Với  vắc xin Astrazeneca liệu trình là tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 8-12 tuần;với vắc xin Pfizer liệu trình tiêm mũi 2 cách mũi 1 khoảng 3-4 tuần và vắc xin Moderna mũi 2 cách mũi 1 từ 3-4 tuần. Một số người dân thời gian có tâm lý e ngại, có tâm lý chờ đợi lựa chọn loại vắc xin. Tuy nhiên kế hoạch là vắc xin về Việt Nam có thể xen kẽ và chưa có kế hoạch cụ thể trước được. Do vậy khi lô vắc xin về Việt Nam sẽ được Bộ Y tế phân bổ về các tỉnh. Khi có loại  vắc xin nào thì chúng ta nên tiêm ngay loại vắc xin đó. Một số người dân có tâm lý e ngại sợ tác dụng phụ của vắc xin, tuy nhiên thời gian vừa qua nước ta đã tiêm phòng được hơn 4 triệu người dân và tỷ lệ phản ứng xảy ra trong giới hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

          Tại tỉnh Ninh Bình để đảm bảo an toàn cho công tác tiêm chủng ngành y tế đã tổ chức tập huấn về khám sàng lọc trước tiêm chủng, về xử trí các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm cho tất cả các cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng ở tất cả các tuyến; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, thuốc, nhân lực để xử trí các trường hợp phản ứng nặng có thể xảy ra. Vì vậy, trong các đợt tiêm chủng tại tỉnh vừa qua đều diễn ra an toàn. Tuy nhiên đối tượng tiêm chủng diễn ra theo lộ trình giai đoạn đầu chúng ta tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết  số 21 và sau đó mở rộng ra 16 nhóm đối tượng theo quyết định của Bộ Y tế và cuối cùng là mở rộng ra toàn dân.

 Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho biết thêm: “Những loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt sử dụng đã trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt về mức độ an toàn và hiệu quả trong kiểm soát bệnh. Mỗi quốc gia đều có cơ quan quản lý làm nhiệm vụ giám sát an toàn và hiệu quả vắc xin trước khi chúng được sử dụng rộng rãi. Ở cấp quốc tế, Tổ chức y tế Thế giới hợp tác với các cơ quan kỹ thuật độc lập để thẩm định tính an toàn của các loại vắc xin trước và thậm chí là sau khi triển khai vắc xin. Dù được phát triển với tốc độ khẩn trương nhất có thể, tuy nhiên các loại vắc xin Covid -19 chỉ được phê duyệt khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về mức độ an toàn và hiệu quả”.

 Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt từ ngày 27/4/2021 đến nay, tiêm vắc xin là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ. Bên cạnh tiêm vắc xin Covid -19 hãy tiếp tục thực hiện tốt 5K để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà và cho cả cộng đồng.

Nguyễn Minh