Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virut dengue gây nên. Virut Dengue được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian chủ yếu truyền bệnh SXHD (sau muỗi Aedes aegypti là muỗi Aedes albopictus).
![]() |
Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian chủ yếu truyền bệnh SXHD |
Muỗi Aedes aegypti có hình vóc nhỏ, mầu đen, có nhiều đốm trắng bạc ở trên thân muỗi, chân muỗi có nhiều khoang trắng (vì thế còn có tên là muỗi vằn).. Trên lưng ngực vẩy trắng xếp thành hình cây đàn Lia. Muỗi Aedes aegypti ưa đẻ ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà (chum, vại, phuy, đồ phế thải như mảnh bát vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe, vỏ dừa, gốc tre, nứa cụt, bát nước kê chân trạn, lọ hoa, bể cá cảnh...) Muỗi đẻ trứng bám vào thành dụng cụ chứa nước, sau 3 ngày nở ra bọ gậy, 7 ngày sau bọ gậy nở ra cung quăng và 3-4 ngày sau cung quăng trở thành muỗi trưởng thành. Như vậy một vòng đời của muỗi Aedes aegypti từ trứng tới muỗi trưởng thành khoảng12-14 ngày. Muỗi Aedes aegypti sinh sản và phát triển tốt ở nhiệt độ 18 - 220, độ ẩm > 80%, do đó muỗi phát triển mạnh nhất vào mùa mưa (từ tháng 4 –11hàng năm). Muỗi trưởng thành ưu đậu nơi tối, trên quần áo treo ở mắc, hoạt động suốt ngày, thấy người là xà vào đốt ngay; chỉ có muỗi cái mới hút máu người, hút máu ban ngày, nhiều nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Bệnh SXHD có đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc, giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn đông máu, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bệnh SXHD xẩy ra quanh năm, nhưng dịch SXHD thường xảy ra cuối mùa hè vào đầu mùa mưa ( tháng 6,7,8,9,10 hàng năm), dịch phát triển có chu kỳ. Cần phải nghi ngờ dịch SXHD trong cộng đồng khi thấy có nhiều người bị sốt cao đột ngột chưa rõ nguyên nhân, sốt kéo dài 2-7 ngày, đồng thời kèm theo các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu lợi, xuất huyết dưới da, đái ra máu, nôn ra máu, rong kinh ỏ phụ nữ hoặc có vết bần tím nơi tiêm.
Ở Việt Nam, bệnh SXHD lưu hành chủ yếu ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu long và dọc theo bờ biển Đông. Tại tỉnh ta, từ khi chia tách tỉnh (4/1992) đến nay đã xảy ra một vụ dịch SXHD ở hai xã liền nhau là Ninh Tiến và Ninh Xuân huyện Hoa Lư vào tháng 9 &10 năm 1993 với tổng số 330 bệnh nhân, không có tử vong (Ninh Tiến: 192; Ninh Xuân: 138); . Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh ta không có dịch XSHD (chỉ có một vài trường hợp SXHD ngoại lai từ nơi khác về).
Năm nay, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, mưa & nắng, nóng nhiều là yếu tố thuận lợi cho bệnh SXHD bùng phát thành dịch. Hơn nữa, theo dự báo về chu kỳ dịch SXHD thì năm nay dịch SXHD rất có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh ta nếu chúng ta không chú ý đến công tác giám sát dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXHD.
Hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa có Vacxin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh SXHD. Vì vậy biện pháp chủ yếu phòng chống bệnh SXHD là: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, loại trừ bọ gậy, dùng mọi biện pháp để tiêu diệt muỗi và tránh muỗi đốt. Muốn vậy phải có sự tham gia tích cực của tất cả mọi người, mọi nhà vào các công việc sau:
- Thau, cọ rửa bể, chum, vại... thường xuyên.
- Các dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy để muối không vào đẻ được.
- Huỷ bỏ các đồ vật phế thải ở xung quanh nhà (chai lọ, bát, vỏ đồ hộp...) và lấp các hố đọng nước xung quanh nhà.
- Lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết.
- Thay nước lọ cắm hoa, bát kê chân trạn (garmanger),...
- Thả cá, thả mesocyclops vào các bể nước, bể cây cảnh để tiêu diệt bọ gậy.
- Dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh.
- Dùng lưới, màn che chắn muỗi .
- Dùng hương diệt muỗi.
- Nằm màn đã tẩm Permethrin (nằm màn cả ban ngày).
- Phun hoá chất diệt muỗi khi cần thiết.
Bs: Nguyễn Quang Xuân - TTYTDP tỉnh Ninh Bình