Với người Việt, thưởng trà là một thú vui tao nhã. Trà dường như có mặt trong mọi lúc, mọi nơi, từ trong gia đình ra ngoài phố, từ nhà hàng, quán chợ cho đến những nơi tiếp khách sang trọng, từ tế lễ, cưới hỏi, sinh nhật, ma chay, cúng giỗ... Hương hoa được đem vào từng ấm trà để khi thưởng thức mùi hương của hoa hòa quyện với hương trà thành một thứ mùi vị tinh túy, mang một nét độc đáo riêng biệt. Uống trà, thưởng trà là thú vui tao nhã từ nhiều đời nay của người Việt Nam, sau đây là một số loài hoa hay được dùng để ướp trà:
1. Trà ướp hoa sen
Trà ướp hương hoa sen là đỉnh cao của nghệ thuật ướp trà với hoa truyền thống. Không phải đơn giản chỉ cho trà vào trong bông sen gói lại ủ qua 1 đêm hoặc 1 ngày là có thể thưởng thức được. Công việc ướp trà sen đòi hỏi rất cầu kỳ từ công đoạn chọn trà, thu hái sen, ướp trà và sấy khô.
Sen ướp trà phải là loại sen nhiều cánh bao bọc lấy nhụy hoa, gạo sen và hương sen. Hiện nay sen Hồ Tây là giống sen được đánh giá cao nhất trong việc ướp trà bởi hoa ở đây rất to, nhiều cánh, lượng gạo sen trong mỗi bông hoa thu được cũng nhiều hơn so với các vùng khác.
Để có một mẻ trà sen tươi vào buổi sáng, cần tiến hành ướp trà vào khoảng chiều tối hôm trước. Chọn bông sen đang hé nở, khẽ tách từng cánh sen ra để cho trà vào trong bông sen. Khi trà đã đầy bông, vuốt các cánh sen lại, dùng lá sen bọc bông sen rồi dùng dây buộc kín. Cắm bông sen vào bình nước để hương sen tiếp tục tỏa hương và trà hấp thụ được hương sen. Sáng hôm sau đã có thể thưởng thức 1 ấm trà đượm hương sen.
2. Trà ướp hoa nhài
Trà hoa nhài hay còn được gọi là Trà hoa lài cuốn hút với hương vị ngọt ngào tinh tế. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trà hoa nhài cũng rất được ưa chuộng.
Hoa nhài được lựa chọn là nhài quế thơm, bông nhỏ nhưng hương thơm đậm. Thu hoạch hoa nhài phải chọn thời điểm nụ từ màu xanh chuyển sang màu trắng đục như gạo nếp, nụ hoa căng tròn mũm mĩm (thời gian thu hoạch 2-4h chiều). Thời gian ủ là 8h-9h tối khi hoa nhài bắt đầu nở và tỏa hương thơm ngát. Khi ủ cần chú ý để trà ngậm hết hương hoa, hoa nhài lúc này chuyển từ màu trắng tinh khiết sang màu trắng trong thì mới đem sấy cho trà bớt ẩm.
Trà hoa nhài còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Chúng giúp chúng ta ta cảm thấy thư giãn, tăng cường năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi, giúp giảm đau đầu, ho, cải thiện hệ tiêu hóa...
3. Trà ướp hoa sói
Hoa sói có màu vàng nhạt nhỏ li ti như ở những hạt minh châu nên còn có tên gọi khác là chu lan. Cũng giống như hoa sen và hoa nhài, việc thu hoạch hoa sói cũng cần phải lựa chọn đúng thời điểm thì mới có thể giữ trọn vẹn được hương thơm. Hương hoa ngây ngất, không quá mạnh nhưng thơm lâu. Hoa nở quanh năm, nhiều nhất là vào khoảng tháng 3 tháng 4 - khoảng giao giữa mùa xuân và mùa hè hoa sẽ nở rộ và hương thơm đạt tới độ chín nhất. Vào chính lúc này, hoa được thu hái về, bắt đầu cho công đoạn ướp trà. Hoa cần được ướp ngay sau khi thu hoạch không hoa sẽ bị héo và mất hương thơm. Hoa sói ướp với trà theo tỷ lệ 300-400g hoa - 1kg trà.
Thường trà ướp hoa sói với trà phải để 3 ngày cho trà và hương hoa hòa quyện khi thành phẩm trà mới ngon nhất. Đây cũng là khoảng thời gian để tinh dầu hoa sói tiết ra để trà hấp thụ.
Khi thưởng thức trà ướp hoa sói, trên đầu lưỡi có vị chát nhẹ, xuống cổ rồi thì ngọt dịu.
4. Trà ướp hoa cúc
Trà hoa cúc là loại trà khá quen thuộc với nhiều người. Hương thơm độc đáo của hoa cúc hòa quyện với hương vị trà khiến khi uống vào có cảm giác lâng lâng, thư thái.
Hoa cúc có nhiều loại: hoàng hoa (hoa cúc vàng), bạch cúc (cúc trắng), tử cúc (cúc tím), cúc vạn thọ, cúc đại đóa... nhưng chỉ có loại cúc vàng và cúc trắng loại nhỏ được hái vào mùa thu khi chớm nở chưa lâu, mới có thể dùng để pha trà, ướp trà. Bởi lúc này, bông cúc đang tích lũy nhiều tinh hoa nhất; đem hái và sơ chế mới tạo ra đúng được vị trà hoa cúc vốn có.
Hoa cúc sau khi thu hái, ngắt bông rửa sạch có thể dùng ngay để pha trà cúc tươi. Cũng có thể đem ngặt bỏ đài chỉ giữ cánh hay để nguyên bông đem sấy khô, bảo quản để dùng lâu dài. Cần lưu ý chọn những bông cúc thật sạch (không bị phun các loại thuốc bảo vệ thực vật) để tránh phản tác dụng cho cơ thể. Nếu muốn thưởng trà cúc tươi, thì chỉ cần rửa sạch bông cúc, rồi để ráo, đem bỏ lọ cất trong tủ lạnh dùng được trong 15 ngày. Nếu muốn để lâu hơn có thể đem bông cúc sấy khô, bảo quản trong lọ hoặc túi kín sẽ để được rất lâu; nếu bảo quản kĩ, cúc khô có thể dùng cho cả năm.
Để ướp hương cúc cho trà, ta đem bông cúc khô đã được làm tơi bằng tay và trà theo tỉ lệ 1 hoa, 3 trà phối với nhau. Sau đó đem sao hỗn hợp trên lửa vừa. Trà sao xong đem ủ kín 3 đến 5 ngày rồi đem tách riêng hoa với trà.
5. Ướp trà hoa mộc
Hoa mộc là loại cây khá hiếm, giá cây giống to khá cao, hoa nhỏ nên cần lượn hoa nhiều để ướp trà hơn các loại hoa khác. Ngoài ra, hoa mộc có hương thơm nhẹ nên dùng để ướp hương vào trà. Công đoạn ướp trà hoa mộc khá khó, ít người có thể làm thành công.
Loại trà dùng để ướp với hoa mộc cũng khá kén chọn cũng bởi vì hoa mộc có mùi hương nhẹ rất đặc biệt nên nếu trà dùng ướp hương có mùi thơm nồng mạnh sẽ làm át đi hương của hoa mộc. Một mẻ trà ướp hoa mộc đạt khi uống phải có hương thơm nhẹ quấn trong khoang miệng mùi thơm gần như mùi hoa quả cứ quấn quýt mãi.
Hoa mộc phải hái trước 8 giờ sáng, lúc này hoa mới chớm nở, xòe những cánh hoa tinh khôi dưới nắng mai còn hương hoa thì quyến rũ nhất. Khi sao trà, phải chú ý nhiệt độ vừa phải đủ để trà hấp hương hoa./.