Viêm gan B là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có đến hơn 300 triệu người mắc Viêm gan B trên toàn thế giới, con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm. Trao đổi giữa phóng viên với Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy sẽ cung cấp thông tin một cách chung nhất về căn bệnh này.

PV:  Xin Bác sỹ cho biếtBệnh viêm gan B là gì?Tại sao phải tiêm phòng viêm gan B?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy:Bệnh viêm gan B là một căn bệnh do virus viêm gan B (HBV – Hepatitis B virus) gây ra.  Bệnh có thể chia thành hai loại viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.

- Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm vi rút viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

- Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất

- Viêm gan B nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, ung thư gan thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.

PV: Vậy đường lây truyền và nhữngai nên đi tiêm phòng?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy:

 Đường lây truyền gồm 3 con đường:

- Lây truyền qua tiếp xúc với máu (hoặc các chế phẩm từ máu) hay dịch tiết của người có chứa vi rút viêm gan B,

- Mẹ truyền cho con khi sinh

- Lây truyền qua đường tình dục

Tất cả mọi người đều nên đi tiêm vắc xin để phòng bệnh viêm gan B, đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao:

- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng

- Nhân viên y tế

- Người nhà mắc viêm gan B

- Người nhận máu hoặc chạy thận

           Những người không nên tiêm phòng

- Hoãn tiêm đối với người đang ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

- Đối với những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, đẻ khó, mẹ bị sốt trước và sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật ... cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên.

- Người lớn đã mắc viêm gan B

PV:Xin Bác sỹ cho biết những vắc xin viêm gan B hiện nay.Lịch tiêm như thế nào?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy:Vắc xin phòng viêm gan B có thể là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1) tiêm cho trẻ em

- Heberbiovac HB (Cu ba)

- Engerix B (Bỉ)

- Euvax (Pháp)

Lịch tiêm:

Trẻ em:

Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh. Chỉ sử dụng vắc xin ngừa viêm gan đơn giá để tiêm liều sơ sinh và có thể tiêm chủng cùng vắc xin phòng lao BCG nhưng sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau.

Riêng với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác, bé cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B). Vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác vị trí tiêm vắc xin viêm gan B.

Khi trẻ được 15-18 tháng tuổi cần được xét nghiệm kiểm tra HBsAg và antiHBs lại để chắc chắc là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.

Ngoài mũi sơ sinh và huyết thanh (nếu có), trẻ được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc xin phòng viêm gan B theo phác đồ:

  • Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
  • Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm.

Các mũi sau mũi sơ sinh tiêm cho trẻ em có thể sử dụng vắc xin viêm gan B kết hợp (trong các vắc xin 5 in1 hoặc 6 in 1)

Người lớn:

Trước khi tiêm cho người lớn cần được xét nghiệm máu để biết cơ thể mình đã nhiễm virus chưa và có kháng thể hay chưa. Tùy vào kết quả xét nghiệm, bác sỹ sẽ chỉ định bạn nên tiêm phòng hay không.

Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng theo phác đồ: 0-1-2-12; hoặc 0-1-6

Vắc xin phòng viêm gan B cho khả năng phòng bệnh lên đến 95%, tuy nhiên lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, mọi người nên tiêm nhắc một liều vắc xin sau mỗi 5 -8 năm, để đảm bảo lượng kháng thể đủ cao để chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B. Hoặc làm xét nghiệm định lượngkháng thể VGB để có chri định phù hợp

PV: Các phản ứng sau tiêm như thế nào, thưa Bác sỹ?

Bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy:

- Vắc xin viêm gan B rất an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới.

- Sau khi tiêm có thể có các phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm là 3 – 9%, sốt trên 37,7 độ C là 0,4 đến 8%.

- Sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600.000 đến 1.000.000 liều vắc xin.

Tuy nhiên, sau tiêm cần theo dõi trẻ cũng như người lớn theo đúng quy định: lưu lại 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, và ít nhất 24h tại nhà.

Đưa ngay đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn như sốt cao hay có những biểu hiện khác thường khác, nhất là ở trẻ em như quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú...

Xin cảm ơn Bác sỹ./.

Nguyễn Minh