Hội chứng hô hấp Trung Đông là một bệnh hô hấp do virus mới được phát hiện ở người. Bệnh này được ghi nhận lần đầu ở Ả rập Xê-út vào năm 2012 và hiện đã lan rộng ra nhiều quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ. Phần lớn người nhiễm MERS sẽ mắc hội chứng suy hô hấp cấp nặng, bao gồm sốt, ho và khó thở. Nhiều người trong số đó đã tử vong.
Xem hình

Tổng quan về MERS

Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), là một bệnh gây ra bởi một loại virus (virus Corona), còn được gọi là Hội chứng hô hấp Trung Đông do Virus Corona (MERS-CoV). MERS tác động lên hệ hô hấp (phổi và các đường dẫn khí). Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS sẽ mắc hội chứng suy hô hấp cấp nặng với các triệu chứng như sốt, ho và khó thở. Tỉ lệ tử vong do MERS được báo cáo khoảng 30-40%.

Các nhà chức trách y tế lần đầu tiên ghi nhận bệnh này ở Ả rập Xê-út vào tháng 9 năm 2012. Thông qua các khảo sát hồi cứu, các nhà chức trách sau đó đã xác định ca mắc đầu tiên được ghi nhận xảy ra ở Jordan vào tháng 4 năm 2012. Từ đó đến nay, tất cả các ca mắc MERS đều có liên hệ đến các quốc gia ở hoặc ở gần bán đảo Ả rập.

MERS-CoV lây lan từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, như chăm sóc hoặc sống chung với người bị nhiễm.

MERS có thể tác động đến tất cả mọi người. Bệnh nhân MERS có lứa tuổi từ nhỏ hơn 1 lên đến 99.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng nhiễm MERS trên toàn thế giới và làm việc với các đối tác để hiểu hơn về các yếu tố nguy cơ của nhiễm virus này, bao gồm nguồn lây, cách thức lây lan và cách phòng chống lây nhiễm. CDC nhận ra khả năng phát tán rộng và lây nhiễm toàn cầu, cũng như ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho khách du lịch và đang làm việc với các cơ sở y tế, bệnh viện, và các đối tác khác để chuẩn bị cho điều này.

Các triệu chứng và biến chứng

Phần lớn người được xác nhận nhiễm MERS-CoV đều mắc hội chứng suy hô hấp cấp nặng gồm các triệu chứng như sau:
- Sốt
- Ho
- Khó thở

Một vài bệnh nhân còn có triệu chứng tiêu hóa bao gồm tiêu chảy và nôn/buồn nôn. Nhiều người nhiễm MERS còn có các biến chứng nặng đi kèm như viêm phổi và suy thận. Tỷ lệ tử vong do MERS được thông báo là khoảng 30-40%. Phần lớn bệnh nhân tử vong do có bệnh nền khác. Một số bị nhiễm có triệu chứng nhẹ (như triệu chứng giống cảm lạnh) hoặc không có triệu chứng thì phục hồi tốt.

Dựa vào những gì các nhà nghiên cứu biết từ trước đến nay, những người hiện đang có sẵn bệnh lý khác (bệnh đồng mắc) có thể dễ nhiễm MERS-CoV hơn, hoặc là dễ bị nặng hơn nếu nhiễm MERS. Các bệnh lý có sẵn được biết bao gồm đái tháo đường, ung thư, bệnh tim, phổi, thận mạn tính. Các cá nhân có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ nhiễm MERS hoặc dễ bị nặng hơn.

Dựa trên những thông tin chúng ta đã có, thời kỳ ủ bệnh của MERS (khoảng thời gian từ lúc phơi nhiễm MERS-CoV đến lúc xuất hiện triệu chứng) thường kéo dài khoảng 5 đến 6 ngày, nhưng có thể dao động trong khoảng 2 đến 14 ngày.

Phương thức lây truyền

MERS-CoV, giống như các virus Corona khác, được cho rằng lây lan từ dịch tiết đường hô hấp người bị nhiễm, chẳng hạn như lúc ho. Tuy nhiên, con đường lây lan chính xác của virus vẫn chưa được biết rõ.

Đã có bằng chứng rõ ràng về hình thức lây truyền từ người sang người của MERS-CoV, thường là sau khi tiếp xúc gần, như chăm sóc hoặc sống chung với người bị nhiễm. Người bị nhiễm phát tán MERS-CoV cho những người khác qua hệ thống chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn là bệnh viện.

Tất cả các ca nhiễm được báo cáo đều có liên quan đến các quốc gia trong hoặc gần bán đảo Ả rập. Phần lớn các bệnh nhân đều sống hoặc vừa đi du lịch ở bán đảo Ả rập trước khi mắc bệnh. Một số nhỏ người bị lây nhiễm MERS-CoV sau khi tiếp xúc gần với người nhiễm MERS vừa đi du lịch về từ bán đảo Ả rập.

Các cơ quan y tế cộng đồng đang tiếp tục khảo sát một loạt ca ở vài quốc gia để hiểu hơn về cách thức lây nhiễm của MERS từ người này sang người khác.

Phòng ngừa

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa nhiễm MERS-CoV. Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đang tìm kiếm khả năng phát triển một loại vaccine.

CDC khuyến cáo mọi người bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bằng cách:
- Rửa tay với xà phòng và nước khoảng 20 giây, và giúp trẻ em rửa tay tương tự như vậy. Nếu xà phòng và nước không có sẵn, sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn chứa cồn.
- Che chắn mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn vào thùng rác.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay.
- Tránh tiếp xúc cá nhân, chẳng hạn như hôn, dùng chung ly hoặc dụng cụ ăn uống với người bệnh.
- Làm sạch và khử khuẩn thường xuyên bề mặt và vật hay chạm tay vào, như tay vặn cửa.

Nếu bạn chăm sóc hoặc sống chung với người bệnh đã được xác nhận đã nhiễm MERS-CoV, xem Hướng dẫn tạm thời về cách ngăn ngừa MERS-CoV lan truyền ở nhà và cộng đồng.

Điều trị

Không có thuốc kháng virus đặc hiệu nào được khuyến cáo sử dụng cho nhiễm MERS-CoV. Các cá nhân nhiễm MERS có thể tìm đến cơ sở chăm sóc y tế để làm giảm các triệu chứng. Với những ca nặng, điều trị tạm thời bằng cách hỗ trợ chức năng các cơ quan chính.