Ngạt là tình trạng suy giảm trao đổi oxy giữa mẹ và thai nhi. Sự thiếu hụt oxy này làm chết tế bào thần kinh gây tình trạng toan chuyển hoá và tổn thương các cơ quan khác ở bào thai, dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

ở các nước phát triển tỷ lệ ngạt chu sinh là 3 - 5/1.000 trẻ đẻ sống, trong đó 75% trẻ tử vong ngay trong thời kỳ chu sinh, 25% trẻ sống sót bị tàn phế.

Trước đây không có biện pháp nào có thể ngăn chặn các tổn thương do thiếu oxy não gây ra. Hiện nay phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy (đưa thân nhiệt của trẻ xuống 34- 350C) được sử dụng để điều trị bệnh não thiếu oxy nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong và ngăn ngừa biến chứng.

* Tác dụng của phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy ở trẻ đẻ ngạt:

-  Làm gián đoạn quá trình chuyển hoá của tế bào não trong tình trạng thiếu oxy.

-  Giảm nhu cầu sử dụng glucose, oxy, giảm sự mất năng lượng ATP.

-  Ngăn cản sự chết theo chương trình của tế bào não, ngăn cản tiến trình phù não.

Phương pháp hạ thân nhiệt này tương đối an toàn, có thể gặp một số tác dụng phụ như giảm nhẹ nhịp tim, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu, rối loạn điện giải. Nhưng những tác dụng bất lợi này không đáng kể so với lợi ích mà nó đem lại.

Nhận thức được hiệu quả của phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy ở trẻ bị đẻ ngạt, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình đã đưa vào ứng dụng trên lâm sàng hệ thống làm mát não Coolcap của hãng Olympic từ tháng 8 năm 2011. Đây là hệ thống làm mát não tiên tiến bậc nhất trên thế giới, đã được thử nghiệm, chứng minh và đưa vào ứng dụng trên lâm sàng ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới, riêng tại Việt Nam, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình là Bệnh viện đầu tiên trang bị và đưa vào sự dụng hệ thống này.

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện cho 10 bệnh nhi bị ngạt nặng. Các bệnh nhi đến đều trong tình trạng nặng: Li bì, phản xạ sơ sinh kém, mất phản xạ bú, trương lực cơ giảm, da nhợt,tím tái, SpO2 <85%, co giật, dịch dạ dày bẩn.

 Những bệnh nhân được chỉ định phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy phải có các điều kiện sau:

  1. Tuổi thai ≥ 36 tuần và nặng ≥ 2000gram.
  2. Có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

Tiền sử suy thai cấp, nhịp tim thai giảm nặng, sa dây rau, rau bong non.

  1. Bằng chứng của đẻ ngạt:

- apgar dưới 5 điểm sau 10 phút.

- Khí máu sau sinh: pH<7.0 hoặc HCO3-<16mmol/l.

- Tiếp tục cần thông khí hỗ trợ 10 phút sau sinh.

4. Có bằng chứng của bệnh não sơ sinh theo tiêu chuẩn của Sarnat: Li bì, hôn mê, giảm trương lực cơ, mất phản xạ bú, các phản xạ bất thường, co giật.

5. Bệnh nhân đến trong vòng 6 giờ đầu sau đẻ.

* Chống chỉ định trong các trường hợp sau:

1. Đến sau 6 giờ đầu sau đẻ.

2. Không có hậu môn.

3. Dưới 36 tuần và dưới 1800gram

4. Xuất huyết não.

5. Đang bị nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương.

Những bệnh nhân đến với Bệnh viện trong vòng 6 giờ đầu sau đẻ có bằng chứng của đẻ ngạt, sau khi được thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết như làm điện não đồ để phát hiện các sóng điện não bất thường, chụp CT scanner sọ não để loại trừ xuất huyết não, đảm bảo thông khí tốt, loại trừ các chống chỉ định. Tại bệnh viện, các bác sĩ bắt đầu sử dụng hệ thống Coolcap để hạ thân nhiệt của trẻ xuống 34-350C trong vòng 72giờ. Trong quá trình thực hiện phương pháp này bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ da, nhiệt độ trực tràng, huyết áp, SP02). Sau khi kết thúc 72 giờ thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy bệnh nhân lại bắt đầu được nâng dần nhiệt độ cơ thể về mức bình thường (36,5- 370C) trong vòng 4 giờ tiếp theo. Không tăng thân nhiệt quá nhanh (đảm bảo 0,50C mỗi 30 phút) vì nếu tăng thân nhiệt nhanh có thể gây một số tai biến như xuất huyết não.

Kết quả điều trị không có tai biến gì, sau 3 ngày hạ thân nhiệt chỉ huy bệnh nhân hết co giật, trương lực cơ bình thường, có phản xạ mút bú và xuất viện sau 7-10 ngày điều trị.

Đối với 10 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, qua quá trình theo dõi hiện tại các bé đang phát triển bình thường về thể chất và tinh thần. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi các cháu trong vòng 24 tháng.

 

Bác sĩ Lê Thị Nguyệt - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh