Lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn các em có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đánh dấu bước phát triển các kỹ năng cần thiết để các em bước vào giai đoạn trưởng thành. Chính vì vậy, các em cần được quan tâm chu đáo về mọi mặt từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là một việc làm cần thiết.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sỹ Trịnh Công Danh - Bệnh viện Sản - Nhi về vấn đề này.
PV: Thưa bác sỹ độ tuổi nào thì được gọi là vị thành niên
Vị thành niên (người sắp đến tuổi trưởng thành) là những em kể cả trai và gái, thuộc lớp người từ 10 đến 19 tuổi. Lớp tuổi vị thành niên này còn được chia ra ba nhóm:
- Từ 10 đến 13 tuổi là nhóm vị thành niên sớm.
- Từ 14 đến 16 tuổi là nhóm vị thành niên giữa.
- Từ 17 đến 19 tuổi là nhóm vị thành niên muộn.
PV: Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên cần lưu ý điều gì thưa bác sĩ?
Phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm... Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ở trường học nên tổ chức vào giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh. Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.
PV: Việc quan hệ tình dục ở lứa tuổi này sẽ dẫn đến những hậu quả gì?
Do sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh, vì vậy hành vi tình dục ở độ tuổi vị thành niên thường không kiểm soát và thường dẫn đến thai nghén ngoài ý muốn. Nếu mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ liên quan đến một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ tình dục như nạo phá thai, sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, thai nhỏ so với tuổi thai, tử vong mẹ.
Chính sự mang thai ở tuổi vị thành niên cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tâm sinh lý cũng như phát triển trí tuệ sau này.
Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang là nỗi lo ngại của cộng đồng (lậu, giang mai, HIV...).
Hạn chế khả năng học tập hoặc bỏ học dẫn đến giảm cơ hội tìm được việc làm tốt hoặc từ bỏ quyền làm mẹ, có khi giết đứa trẻ mới sinh hoặc bi quan tự sát, làm gái mại dâm... Điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cả mẹ và con.
PV: Bác sỹ có thể cho biết các biện pháp tránh thai hiện nay?
Việc mang thai ở tuổi vị thành niên là chuyện khá đáng sợ có thể làm cuộc sống đảo lộn. Do đó, không quan hệ tình dục là biện pháp tránh thai tốt nhất. Nếu có quan hệ tình dục thì nên tìm hiểu những biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn. Sau đây là một số biện pháp tránh thai mà họ cần biết và lựa chọn:
Bao cao su: Tránh được những bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV. Nhược điểm: phải dùng đúng cách mới có hiệu quả.
Thuốc tránh thai: Các viên thuốc làm buồng trứng ngưng không rụng hằng tháng, thường uống 21 ngày liên tục, sau đó nghỉ 7 ngày. Nếu muốn có thai thì dừng thuốc không uống nữa. Nhược điểm là thuốc phải uống mỗi ngày không được quên, vì nếu quên sẽ mất tác dụng.
Tiêm nội tiết tố: Thuốc có tác dụng giống như thuốc tránh thai, tiêm 1, 2 hoặc 3 tháng 1 mũi. Sau 1 mũi tiêm không cần làm gì thêm cho tới mũi tiêm sau.
Đặt vòng tránh thai: Có tác dụng tránh thai lâu dài, hiệu quả cao.
Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như tính chu kỳ kinh nguyệt, xuất tinh ngoài âm đạo nhưng hiệu quả tránh thai thấp.
PV: xin cảm ơn Bác sĩ!