PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành rất phổ biến. Bệnh xuất hiện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cả ở thành thị và nông thôn.
Xem hình

     Tuy nhiên, bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung - Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc bệnh ít gặp hơn. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là nơi thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện và gây thành dịch trong các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình cao. Miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm. Miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Trong năm, bệnh phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết khoảng từ 3 tới 5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

            Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh sốt xuất huyết lưu hành trên 100 quốc gia, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình hàng năm từ 2 đến 2,5%. Sốt xuất huyết hiện đang lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như: Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào, Philippines, trong đó Malaysia tăng 258% so với cùng kỳ 2013. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 7 năm 2014, cả nước ghi nhận 12.313 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố, trong đó có 08 trường hợp tử vong tại: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Bình Phước, Phú Yên, Đồng Nai. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc sốt xuất huyết năm 2014 của cả nước giảm 51,4%, tử vong giảm 08 trường hợp, trong đó khu vực miền Bắc giảm 27,3%, miền Trung giảm 82,2%, miền Nam giảm 29,4%, Tây Nguyên giảm 87,5%. So với trung bình giai đoạn 2006 - 2010, số mắc năm 2014 cả nước giảm 72,8 %, tử vong giảm 46%.

            Tuy nhiên, mới đây, thành phố Hà Nội đã phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên trong năm 2014 tại phường Yên Hòa, Cầu giấy với 8 trường hợp mắc. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc là nơi xuất hiện ca nhiễm mắc đầu tiên. Bà cho biết, gia đình bà có 5 người bị sốt kèm theo triệu chứng đau mỏi, nhức đầu, không có xuất hiện ban đỏ nên gia đình bà đã tự đi truyền nước. Chồng bà Ngọc vài ngày sau khi được truyền nước về thì xuất hiện hiện tượng chảy máu chân răng. Gia đình đưa tới bệnh viện thì mới phát hiện được là do mắc sốt xuất huyết. Chính quyền địa phương cho biết, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh được làm thường xuyên. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân về bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa thật sự đầy đủ. Một phần được cho là bắt nguồn từ sự chủ quan của người dân. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khi tiến hành phun thuốc khử trùng dập dịch, trong khi hầu hết các hộ gia đình tự nguyện hợp tác với cán bộ y tế, thì vẫn còn những gia đình thiếu thiện chí phối hợp với cán bộ y tế trong công tác dập dịch. Các chuyên gia y tế lo ngại, năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009 là thời điểm xảy ra dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra theo chu kỳ xuất hiện của dịch là từ 3 đến 5 năm. Sở Y tế Hà Nội đã lên phương án phun hóa chất diệt muỗi tại 30 phường, xã có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết.

            PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay,  bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy - lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt.

            Bộ Y tế cũng đã đưa ra các khuyến cáo với người dân phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:

            1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

            2. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; hàng tuần thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

            3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

            4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

            5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

            6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

 

TTGDSK