Bệnh viêm da dị ứng là một dạng viêm da mạn tính, tái phát, ngứa và là bệnh lý ngoài da, phổ biến nhất ở trẻ em, bệnh thường bắt đầu từ khi trẻ từ 1 đến 6 tháng tuổi và kéo dài đến khoảng 2 năm.

* Đặc trưng của bệnh là: những đốm da đỏ sần nước, sau đó rỉ nước và đóng thành vảy ở trên má, trán, da đầu, thân người, nếp duỗi ở chân tay và thường đối xứng hai bên. Ngứa dữ dội là dấu hiệu quan trọng thấy được qua tình trạng trẻ bị kích thích, cào da đến chảy nước. Nếu để trẻ gãi nhiều gây trầy xước da hoặc tự điều trị không đúng sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng làm vết thương trở nên đau nhức, chảy máu và có mủ, trẻ sốt cao do nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

* Cách chăm sóc trẻ:

+ Làm sạch da:

Tắm rửa cho trẻ hàng ngày, lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm. Ngâm vùng da bị tổn thương nặng trong nước ấm khoảng 15-20 phút, sau đó lau khô nhanh và lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Ngâm da từ 1-3 lần/ngày tùy theo độ nặng của bệnh.

+ Bôi chất làm ẩm:

Để duy trì độ ẩm ở da suốt cả ngày cần bôi các chất làm ẩm dạng dung dịch, dầu, kem hoặc thuốc mỡ theo hướng dẫn của cán bộ y tế ngay sau khi tắm.

+ Giảm ngứa và kích thích:

Duy trì giấc ngủ bình thường, cắt móng tay cho trẻ, đeo bao tay ban đêm để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Tránh dùng chất tẩy rửa, xà phòng, các sản phẩm chăm sóc da. Chọn quần áo thấm mồ hôi, không cho trẻ chơi dưới đất, không chơi với súc vật nuôi như chó, mèo...

+ Bôi thuốc phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không bôi cùng với chất làm ẩm vì sẽ làm giảm hiệu quả của điều trị.

Khi trẻ có dấu hiệu: sốt, ngứa nhiều phải thức giấc ban đêm, tổn thương da trở nên đỏ hơn, chảy máu, có mủ, đóng vảy màu vàng hoặc nếu tổn thương da không giảm sau một tuần thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

* Lưu ý:

+ Cha mẹ không được tự điều trị cho trẻ theo kinh nghiệm như: đắp lá cây, hoa giã nát hoặc hạt đậu nghiền làm bệnh nặng và có những biến chứng nguy hiểm.

+ Khi thời tiết lạnh và khô hanh là điều kiện thuận cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ phát triển

Tác giả: TTGDSK