Thảo dược, hay như dân gian Việt Nam vẫn thường gọi nôm na là "thuốc lá", đã được cha ông ta sử dụng từ rất lâu. Đó là những bài thuốc cổ truyền, sử dụng lá cây từ trên núi cao, trong rừng sâu và cả những cây cỏ rất thân quen, gần gũi trong cuộc sống. Hiện nay, mặc dù các phương pháp chữa bệnh bằng Tây y ngày càng phổ biến và hiện đại nhưng nhiều người vẫn thường xuyên sử dụng thuốc từ thảo dược. Đó là vì thảo dược rất lành tính, gần như không có những phản ứng phụ.
Tía tô - vị thuốc giải cảm |
Nồi lá xông là một phương pháp cổ truyền độc đáo của người Việt
Thành phần của nồi lá xông
Hiện nay có rất nhiều loại lá trồng quanh vườn hoặc mua ở các hàng ngoài chợ như: lá é, húng quế, húng đứng, tía tô, sả, bạc hà, rau tần, ngổ, gừng, riềng, hành, chanh, cam, bưởi, bạch đàn, ngũ trảo, tre, ngãi diệp... để làm nồi lá xông. Ngoài ra, mỗi địa phương bà con còn dùng những loại lá theo kinh nghiệm của riêng mình.
Cách nấu và tiến hành xông
Cho 5 - 7 loại lá như trên, mỗi thứ 50 - 100 gr vào nồi, đổ ngập nước, đậy nắp thật kín. Đun sôi nồi lá xông chừng 3 - 5 phút. Người bệnh trùm mền dày kín, sau đó mở hé nắp nồi cho hơi nóng thoát ra dần dần, hít thở thật nhiều. Thời gian ngồi xông chừng 5 - 10 phút, mồ hôi ra khắp cơ thể thì dừng và lấy khăn lau cho khô người. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh.
Sau khi xông, uống một ly nước chanh đường, cho thêm vài hạt muối hoặc ăn cháo nóng có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh ớt…. Tùy theo tình trạng sức khỏe, người bệnh xông 2 lần vào ngày đầu tiên, sau đó có thể xông một lần vào các ngày tiếp theo cho đến khi lành bệnh.
Công dụng
Công dụng chính là giúp cơ thể người bệnh ra mồ hôi, giải cảm nhiễm do gió, lạnh, ẩm ướt, khí độc, hạ nóng sốt... Nồi lá xông được ví như cách tắm hơi có kèm dược liệu. Các loại hương liệu trong lá bốc hơi kèm nhiệt độ cao được hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp và chân lông biểu bì làm sát trùng, giải nhiễm độc, kích thích chuyển hóa khí huyết, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng.
Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, nhuận và mát. Đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí cho nên bớt đau đầu, chóng mặt, khớ thỏ. Trong các lá xông có kháng sinh, có tinh dầu cho nên có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt… Các lỗ chân lông được thông thoáng, da tươi nhuận trở lại. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.
Những điều cần lưu ý:
Những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông 1 – 2 lần là được. Không nên xông nhiều lần. Xông nhiều lần sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ sức khỏe.
Không xông đối với trường hợp cảm thử (ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả).
Bên cạnh đó, nếu xông nhiều lần mà bệnh không thuyên giảm thì nên tìm phương cách khác theo đúng nguyên nhân gây bệnh để chữa trị, vì xông hơi kéo dài sẽ mất nhiều nước cho cơ thể, gây ra các tác hại khác.
Phương pháp dùng nồi xông là phương pháp đơn giản, dễ làm, rẻ tiền mà hiệu quả. Chính vì vậy, mỗi gia đình nếu có điều kiện nên tích cực trồng cây dược liệu trong vườn phòng khi cần sử dụng đến.