Việc phân chia già, trẻ theo tuổi không phản ánh chính xác quá trình sinh học, có trường hợp người có tuổi nhưng trông vẫn còn trẻ, khoẻ mạnh. Trái lại, cũng có người chưa nhiều tuổi những đã có những biểu hiện già. Vì vậy, phân chia theo tuổi chỉ có tính ước lệ và giá trị tương đối.

Từ 60 tuổi trở đi, những biểu hiện của tuổi già rõ nét hơn và tăng dần theo thời gian. Tổ chức Y tế thế giới sắp xếp các lứa tuổi như sau:

- Từ 45- 59 tuổi: người trung niên

- Từ  tuổi 60-74:  là người có tuổi

- Từ 75-90 tuổi:  là người già

- Trên  90 tuổi: là người già sống lâu.

Như vậy từ 60 trở lên, người ta được coi là người có tuổi (hiện nay chúng ta dùng danh từ người cao tuổi). Già là một hiện tượng tự nhiên theo chu trình và quy luật khách quan. Do vậy tuổi già là điều không thể tránh được nhưng chúng ta có thể kìm hãm được quá trình già hoá để đạt được tuổi già tối ưu.

Để sự hoá già chậm lại, tăng sức sống cho tuổi già thì luyện tập, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ sẽ giúp cơ thể dẻo dai, cường tráng dễ thích nghi với các điều kiện bất lợi phòng tránh được một số bệnh như tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành bằng cách tự theo dõi huyết áp và tuân theo một chế độ ăn uống điều độ, hợp lý.

Tuổi già, cơ thể suy yếu, sức đề kháng giảm, thường mắc nhiều bệnh do các cơ quan, bộ phận của cơ thể bị già hoá nhưng tốc độ già hoá lại khác nhau, vì vậy biểu hiện bệnh tật ở người già thường không điển hình. Ở người già, ranh giới giữa sinh lý (quá trình hoá già tự nhiên) với bệnh lý thường không rõ nên việc kiểm tra sức khoẻ đinh kỳ hoặc khi có biểu hiện bất thường cần phải đi khám ngay là rất cần thiết. Tự rèn luyện, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ là liều thuốc tăng thọ, tăng chất lượng cuộc sống quý giá cho tuổi già. Dưới đây là 10 nội dung chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi:

1. Cần biết tình trạng sức khoẻ và sức khoẻ dự trữ của bản thân mình.

 Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật. Cần phải biết lượng định sức khoẻ, càng nhiều sức khoẻ thì càng ít cơ hội phát sinh bệnh tật và ngược lại. Khái niệm sức khoẻ là khái niệm về chất lượng những tiêu chuẩn được đánh giá là bình thường qua các kết quả thăm khám và xét nghiệm như: thân nhiệt, đường huyết, số lượng hồng cầu...

Càng nhiều phương pháp đo và xác định những chỉ số khác nhau thì càng giúp đánh giá chính xác sức khoẻ. Các chỉ số trên bình thường thì cũng chưa có thể nói là đỉnh cao của sức khoẻ, đó mới là các chỉ số bình thường trong điều kiện bên ngoài bình thường. Khi những điều kiện bên ngoài khác đi cơ thể phải thích nghi, sự thích nghi này đòi hỏi tới sức khoẻ dự trữ. Nếu sức khoẻ dự trữ kém bệnh tật sẽ phát sinh.

Như vậy những quy định về sức khoẻ biểu thị bằng những chỉ số bình thường rõ ràng là chưa đầy đủ. Khái niệm khoa học về sức khoẻ cần phải hiểu cả về mặt số lượng.

Số lượng sức khoẻ có thể được xác định như: “Toàn bộ những lượng dự trữ” của hệ thống chức năng của cơ thể. Những lực lượng dự trữ này được biểu hiện qua hệ số dự trữ, đó là số lượng tối đa các chức năng  được huy động đến trong trạng thái không bình thường. Ví dụ: Cung lượng tim bình thường 4- 5 lít/phút. Khi phải vận động nặng có thể đạt tới 20 lít/phút.

Lực lượng dự trữ tổng thể không những là một đặc trưng quan trọng nhất của tình trạng sức khoẻ, chúng còn xác định quan hệ của cơ thể đối với bệnh. Ví dụ: một vận động viên có thể bị ho sốt 400 C, nhu cầu oxy của tổ chức tăng gấp 2 lần. Nhưng trái tim của họ chịu đựng được một lượng gấp 4 lần. Như vậy sức khoẻ của họ gấp 2 người bình thường về mặt này.

 Tuổi già: những chức năng của các tế bào giảm sút cùng với lứa tuổi, rõ ràng là do có sự tích luỹ những chất trở ngại. Và sức khoẻ dự trữ giảm đi. Sức khoẻ dự trữ của người già cần quan tâm nhất là quả tim và huyết áp (HA). Vậy khi có cơn đau ngực trái nghi có thiếu máu cơ tim phải làm ngay điện tâm đồ và nếu điện tâm đồ nhiều lần bình thường thì phải làm điện tâm đồ gắng sức. Đó chính là một hình thức đánh giá sức khoẻ dự trữ của quả tim. Đối với huyết áp, không những cần thiết lúc bình thường mà phân biệt cả khi gắng sức. Theo dõi huyết áp tại nhà có thể cho những thông tin có giá trị giúp chẩn đoán ban đầu và điều trị ở bệnh nhân tăng huyết áp. Mỗi người cần biết sức khoẻ và một phần sức khoẻ dự trữ của mình cho cách sống và luyện tập.

2. Vận động là cách tiết kiệm sức khoẻ trong toàn bộ cuộc sống.

 Sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã thay đổi lối sống của con người cũng như thay đổi các tính chất và quan hệ với tự nhiên. Sự giảm sút mãnh liệt hoạt động tích cực về mặt sinh học vốn cần thiết cho con người đã dẫn đến các rối loạn chuyển hoá trong cơ thể, làm cho sự cung cấp oxy ở Não kém, đe doạ “sự thoái hoá sinh vật học”. Ở các nước phát triển, máy móc đã thay lao động chân tay, do đó xuất hiện các bệnh do thiếu vận động thể lực. Các bệnh của các nước phát triển xuất hiện ngày một nhiều như tim mạch, hô hấp, cơ bắp, khớp...

 Muốn tránh sự thoái hoá và các bệnh tật này cần phải vận động. Nhưng vận động thế nào cho phù hợp với tuổi già? Phải lượng sức mình mà tập luyện theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cần chú ý rằng những người khoẻ mạnh không giống nhau, có thể chia theo nhóm tuổi, giới tính, tình hình luyện tập trước đó. Mức hoạt động khi luyện tập sẽ cao hơn đối với những người tương đối trẻ và thấp hơn đối với người nhiều tuổi. Có thể chia ra những người có trình độ tập luyện thể lực tốt, những người có trình độ tập luyện vừa phải và những người không tập luyện.

- Bắt đầu bằng các bài tập thể dục buổi sáng, bài tập dưỡng sinh tại các câu lạc bộ ngoài trời có thể áp dụng cho mọi đối tượng.

- Các cụ có thể tự xác định xem mình có thể tập ở mức độ nào.

 Để đánh giá cường độ tập của bản thân, có thể áp dụng thử nghiệm sau: Đi bộ từ nhà lên tầng 4 với nhịp độ bình thường và không nghỉ ở giữa chừng. Nếu khi lên đến tầng 4 mà vẫn thở nhẹ nhàng và không có cảm giác khó chịu thì trình độ luyện tập thể lực là trên trung bình, nếu thấy khó thở là trung bình, rất khó thở và cảm thấy mệt mỏi khi lên đến tầng 3 là kém.

Các loại hình tập luyện:

• Đi bộ: được sử dụng không chỉ đơn giản là phương thức chuyển dịch trong thời gian, không gian mà còn là một biện pháp có hiệu lực để tăng cường sức khoẻ tốt nhất với hệ tim-mạch.

- Đi chậm dưới 70 bước/phút: áp dụng cho người yếu, người sau khi mới khỏi bị nhồi máu cơ tim.

- Đi bộ trung bình: từ 71- 90 bước/phút (khoảng 3-4km/giờ): áp dụng cho người có bệnh tim mạch nhẹ.

- Đi bộ nhanh 91-110 bước/phút (tốc độ 4,5km/giờ) áp dụng cho người khoẻ mạnh. Nhưng không phải mọi người khoẻ mạnh đều chịu đựng nhịp độ này trong thời gian dài.

Đối với các cụ không có bệnh tim có thể đi bộ ở mức trung bình cao là khoảng 100 bước/phút.

• Chạy chậm: nguyên tắc cơ bản của chạy chậm là luyện tập phù hợp với sức khoẻ dự trữ. Không gắng sức, không bao giờ thi chạy với người khác, luôn luôn duy trì nhịp độ chạy thích hợp của mình.

Nếu thấy còn sức thì tăng khối lượng vận động bằng kéo dài khoảng cách chứ không tăng nhịp độ chạy. Không ngại và không sợ phải nghỉ một chút nếu cần.

Những người mới bắt đầu chạy, trong khoảng 2-3 tháng đầu không nên chạy quá 5-6 phút. Với sự tự cảm tốt và hiệu quả tập luyện bước đầu khá thì có thể tăng thời gian chạy nhưng không quá 10 phút.

• Bơi: ở những nơi có điều kiện, bơi là phương pháp rèn luyện toàn diện và thích hợp nhất. Với ngươi già bơi chậm và bơi trong thời gian ngắn.

3. Hãy tự kiềm chế, tránh các stress.

Ai cũng từng trải qua các cảm giác bất thường như nỗi buồn, sự lo âu, sự tác động, niềm hân hoan, sự chờ đợi... Các cảm giác này liên quan nhiều tới trái tim và khối óc. Stress là phản ứng đáp lại của cơ thể đối với các tác động bên ngoài. Điều xảy ra trong cơ thể con người trong thời gian Stress có thể so sánh với một tiếng nổ hay một đám cháy đặc biệt. Tuy nhiên đám cháy này không hỗn loạn, trước hết nó bao trùm mọi bộ phận của hệ thần kinh trung ương có nhiệm vụ bảo vệ tương tác giữa cơ thể và môi trường xung quanh. Trong cơ thể chúng ta, luôn có cơ chế điều hoà điều khiển và tự kìm chế được trước tin tức bất thường.

Cần làm gì để giảm tác động của cơn bão thần kinh thực vật trong thời gian stress. Người ta nhận thấy rằng những người có luyện tập thể lực dễ chịu đựng các stress hơn người không luyện tập.

 Trong giao tiếp với nhau, chúng ta phải cố gắng hết sức để ngăn ngừa cảm xúc tiêu cực và tạo không khí vui mừng hướng thiện. Hãy tự tiết chế trước mọi việc vui buồn sắp xảy đến cho bản thân. Có hai tin tức gây stress mạnh với các cụ là mất đi người thân nhất và việc về hưu. Cần trấn tĩnh và kiềm chế trước các tin tức gây ảnh hưởng này.

4. Phòng ngã và tai nạn giao thông.

Ngã là hiện tượng thường có ở người già, trên 50% các trường hợp ngã xảy ra không do bệnh như chóng mặt, ngất..., còn 50% nguyên nhân ngã ở người già thường do di chứng của bệnh thần kinh như:

- Di chứng liệt nửa người.

- Bệnh Parkinson: bệnh này làm các cơ cứng nên khi đi lại dễ bị ngã.

- Bệnh tiểu não: đi lại loạng choạng mất thăng bằng, dễ ngã.

- Bệnh tiền đình: gây chóng mặt, mất thăng bằng dễ ngã về bên tổn thương.

Các cụ mắc bệnh trên khi đi lại cần có sự trợ giúp, bằng gây, nạng, xe đẩy hoặc có người dìu, người đi ngay bên cạnh để hỗ trợ.

Nguyên nhân ngã còn lại do tuổi cao, vì hệ thống nhận biết thông tin từ bên ngoài kém. Sự nhạy cảm của cơ thể  kém, tai nghe kém, tầm nhìn kém, phản xạ kém. Vì vậy khi đi lại cần đi với tốc độ chậm, nhất là khi qua ngã ba, ngã tư.

Ngã ở người già rất tai hại: vì từ trên 50 tuổi, cứ mỗi năm đàn ông mất đi 1% khối xương, đàn bà mất nhiều hơn 2- 4% khối xương. Vì thế xương ròn, dễ gãy, chỉ cần ngã nhẹ đã có thể gãy xương cổ tay, xương đùi, xương chậu.

5.   Đảm bảo giấc ngủ hợp lý.

Phần lớn người già có rối loạn về giấc ngủ. Rối loạn về giấc ngủ ở người già thuộc ba loại:

- Rối loạn nhịp ngủ: thường ban ngày hay ngủ gà ngủ gật nhưng ban đêm lại không buồn ngủ.

- Rối loạn thời gian ngủ: bình thường một ngày cần được ngủ 7-8 giờ, nay chỉ ngủ dược 3-4 giờ.

- Rối loạn về chất lượng giấc ngủ: ngủ không ngon giấc, không sâu, dễ có ác mộng và dễ tỉnh giấc tự nhiên hoặc chỉ vì một tiếng động nhỏ.

Thời gian ngủ là được nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khỏe, ổn định lại sau một ngày hoạt động mệt nhọc. Sự mất ngủ ở người già có nhiều nguyên nhân:

- Do những chuyện riêng tư phải suy nghĩ nhiều.

- Do nhiều bệnh tật cùng lúc xảy ra.

- Do bản thân tế bào não vừa già hoá vừa mất dần đi theo tuổi (từ 20 đến 80 tuổi, kích thước não đã giảm đi khoảng 20%).

Để đảm bảo giấc ngủ tốt nên tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

- Ngủ và dậy vào những giờ nhất định.

- Tránh xem chuyện, ti vi quá khuya.

- Chuẩn bị tốt chỗ ngủ: thoáng mát, khi mùa rét phải đủ ấm.

- Tránh suy nghĩ căng thẳng trước khi ngủ. Tránh ngủ ngày nhiều, mỗi buổi trưa chỉ ngủ từ 1-1,5 giờ.

- Cần phải điều trị các bệnh gây đi tiểu nhiều như tăng huyết áp, u tiền liệt tuyến, tiểu đường.

- Hít thở sâu 10 phút trước khi ngủ có thể giúp giấc ngủ ngon hơn.

6. Dinh dưỡng và ăn uống ở người có tuổi.

Tình trạng dinh dưỡng của người già phụ thuộc vào trạng thái thể lực, tâm lý và xã hội. Các chức năng chuyển hoá, đào thải giảm đi và rối loạn từ sau tuổi 50 và giảm dần theo độ tuổi.

Vì vậy nếu không có chế độ ăn uống tốt, hợp lý sẽ xảy ra nhiều bệnh.

- Bệnh đái tháo đường do ăn quá nhiều chất bột, chất đường.

- Bệnh xơ vữa động mạch do ăn quá nhiều chất béo, mỡ động vật.

- Bệnh thống phong (gouthe) do ăn quá nhiều đạm động vật và uống rượu.

Chế độ dinh dưỡng ở người già rất cần sự cân đối trong khẩu phần. 

Ví dụ: một khẩu phần ăn trong ngày như sau:

+ Thịt nạc từ 200g đến 250g. (Thịt có thể thay thế bằng trứng, 1 quả trứng tương đương với 25g thịt hoặc cá, 30g cá bằng 25g thịt.)

+ Dầu thực vật: 30g

+ Gạo: 300g

+ Rau, quả và can xi.

- Mỗi ngày cần bổ sung thêm 800-1000mg chất can xi. Uống bột can xi hoặc ăn xương hầm. Sữa là chất cung cấp nhiều can xi.

Bên cạnh khẩu phần ăn hợp lý cần thay đổi món ăn, chế biến khéo, giờ ăn trong ngày nên ổn định. Thức ăn cần nóng, mềm vì răng người già yếu, không ăn thức ăn ôi thiu.

- Ăn chậm làm cho thức ăn dễ tiêu hoá vì dịch nước bọt sẽ giúp một phần cho dịch dạ dày trong quá trình tiêu hoá.

- Trong bữa ăn, tránh ồn ào, tránh tranh luận các vấn đề kinh tế, xã hội. Bữa ăn cần vui vẻ vì đó là thời gian tập hợp mọi thành viên trong gia đình, phải là thời gian hạnh phúc trong ngày.

- Rượu, thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh tật. Người cao tuổi không nên sử dụng.

7. Dùng thuốc ở người có tuổi.

Tỷ lệ người già nhập viện do phản ứng thuốc ngày một cao vì:

- Sự thay đổi sinh lý trong cơ thể làm thay đổi tác dụng của thuốc. Điều này cả thầy thuốc và bệnh nhân cần phải nhận thức rõ.

- Các chức năng gan, thận kém đi làm cho việc chuyển hoá và thải thuốc ở người già chậm, dễ gây ngộ độc.

- Cơ thể người già nhiều mỡ và ít nước. Do vậy các thuốc tan trong nước có phạm vi phân bố ít hơn, làm cho nồng độ thuốc cao hơn, hậu quả là làm cho tác dụng thuốc nhanh hơn. Ngược lại, các thuốc tan trong mỡ được phân bố trong cơ thể có phạm vi rộng hơn, vì thế nó lưu lại lâu hơn và làm tăng thời gian bán huỷ thuốc dễ gây độc.

Vì vậy dùng thuốc ở người già phải hết sức thận trọng:

- Cần phải dùng thuốc theo đơn của y, bác sĩ và theo chỉ dẫn của tờ hướng dẫn trong hộp thuốc.

- Liều thuốc cho người già thường chỉ bằng một nửa liều thuốc cho người trẻ.

- Trừ trường hợp cần thiết, dùng càng ít thuốc càng tốt.

- Nên dùng đường thuốc đơn giản và an toàn nhất, lựa chọn các đường dùng thuốc sau đây một cách hợp lý, có hiệu quả như: xoa, dán ngoài da, uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

- Thời gian dùng thuốc cần phải đúng vì uống sai quy cách có thể không có tác dụng hoặc ngược lại. Ví dụ viên hạ đường huyết phải uống trước khi ăn 15 phút, nếu uống sau khi ăn có thể gây hạ đường huyết. Nhưng thuốc chống toan dạ dày thì phải uống xa bữa ăn mới có tác dụng.

 8. Phòng tai biến mạch máu não ở người già.

Tai biến mạch máu não do tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não gây liệt, hôn mê và tử vong. Để xảy ra tai biến mạch máu não là một điều tai hại vì rất khó lường các hậu quả trước mắt và lâu dài. Cần phòng tránh tai biến mạch máu não nhất là trong những ngày mùa đông giá lạnh.

Phòng tai biến mạch máu não là phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả các yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể kiểm soát được. Nguy cơ lớn nhất là bệnh tăng huyết áp.

- Mọi người cần biết con số huyết áp của mình. Ở tuổi trên 60, cần tự theo dõi huyết áp của mình ít nhất mỗi tuần 1 lần.

- Khi đã bị bệnh tăng huyết áp thì cần theo dõi thường xuyên chỉ số huyết áp. Cần phải duy trì chỉ số huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg.

- Cần phải nhớ rằng bệnh tăng huyết áp rất dao động, tăng giảm bất thường cần đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên và chung sống với bệnh suốt đời.

- Cần phải sống điều độ và ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo giấc ngủ tốt, luyện tập và làm việc khoa học theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Tránh căng thẳng thần kinh, Stress. Nên tự kìm chế trước mọi tác động bên ngoài.

- Khi dùng thuốc hạ huyết áp cần phải tuân theo chỉ dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa. Vì bệnh tăng huyết áp là cần điều trị lâu dài nên người bệnh cũng cần phải biết tự dùng thuốc, tự chọn thuốc thích hợp với mình, chọn thời điểm uống thuốc thích hợp với tình trạng dao động huyết áp của cá nhân mình.

- Ngoài ra cần phải phòng và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch ở người tăng huyết áp: tình trạng xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, uống rượu, bệnh đái tháo đường.

9. Gia đình và xã hội cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.

Gia đình đóng vai trò chính trong việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Việc này không phải là mới nhưng những thay đổi trong đời sống xã hội hiện nay đã làm cho việc chăm sóc sức khoẻ phức tạp hơn. Tuổi thọ của người gìa ngày càng cao, làm cho số lượng các thế hệ sống chung ngày càng tăng có thể lên đến 3 hoặc 5 thế hệ.

Ở nước ta diện tích nhà ở chật hẹp, điều này gây khó khăn cho cả cha mẹ già lẫn các thành viên khác trong gia đình. Theo truyền thống thì người phụ nữ (con gái, con dâu) chịu trách nhiệm chính chăm sóc người già trong gia đình. Nhưng phụ nữ cũng đi làm như nam giới vì vậy cả hai giới đều phải cùng nhau chăm sóc.

Mặt khác, những người chăm sóc người gìa cũng cần phải được quan tâm chăm sóc. Nếu nhu cầu của người chăm sóc không được đáp ứng trong một thời gian dài, sức khoẻ của họ bị giảm sút ảnh hưởng xấu tới bản thân người già và chất lượng sống của mọi thành viên trong gia đình. Vì thế xã hội và Nhà nước cũng cần phải quan tâm và có chính sách thoả đáng tới việc chăm sóc người già. cần có sự hỗ trợ xã hội riêng cả chính thức lẫn không chính thức tại gia đình và tại cộng đồng.

Việc phối hợp giữa mạng lưới y tế cộng đồng với các nguồn vốn hỗ trợ tư nhân là vai trò chính của các nhân viên y tế trong công việc giúp đỡ những người chăm sóc.

Các cơ quan trợ giúp:

- Bộ Y tế và xã hội.

- Nhân viên y tế cộng đồng ở nông thôn.

- Cơ sở lão khoa (Viện Lão khoa).

- Các bệnh viện, các phòng khám ngoại trú.

- Cơ sở chăm sóc ngoài giờ nhằm mục đích giúp đỡ gia đình trong việc chăm sóc người già.

10. Mạng lưới y tế chăm sóc người cao tuổi ở một số nước.

* Chăm sóc tại nhà:

- Do gia đình đảm nhận.

- Do y tế thôn bản, phường đảm nhận.

* Vào viện tại nhà: chăm sóc y tế như ở bệnh viện.

- Do các bệnh viện đảm nhiệm.

* Các trung tâm ngày:

- Chăm sóc người già về các phương diện: chẩn đoán bệnh, chăm sóc y tế ở mức độ thấp (vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, châm cứu...)

- Bệnh viện ban ngày: bệnh nhân nhập viện ban ngày để chẩn đoán và điều trị ở mức cao nhưng không cần theo dõi ban đêm. Sáng hôm sau lại tiếp tục vào viện điều trị.

* Các khoa điều trị người già tại các bệnh viện:

- Các bệnh cấp tính.

- Các bệnh trung hạn.

- Các bệnh mãn tính (dài hạn).

* Các nhà dưỡng lão.

* Các nhà cho những người về hưu.

* Các hoạt động xã hội: các tổ chức hảo tâm tổ chức các cuộc du lịch, giải trí.

* Các trường học cho người già thức tỉnh và nâng cao trí tuệ.

Xu hướng của thế giới hiện nay là đưa người già về chăm sóc tại cộng đồng có nghĩa là tại gia đình... để người già luôn có sự tiếp xúc với gia đình và xã hội. Nhưng việc này đòi hỏi mỗi nước phải có trình độ phát triển cao về mạng lưới y tế gia đình, về nhà ở, về giao thông và trình độ cán bộ y tế.