Ngày 20/3/2024 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công văn số 161/UBND-VP3 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật.
Công văn nêu: Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp người tử vong do bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại; tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 18 trường hợp người tử vong do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố, số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại khoảng 70.000 người. Tại tỉnh Ninh Bình, từ năm 2019 đến nay, không ghi nhận các trường hợp người tử vong nghi bị chó dại cắn, tuy nhiên nguy cơ phát sinh bệnh dại trên động vật là rất cao do thói quen tiêu thụ thịt chó, mèo; tình trạng thả rông chó, mèo không rọ mõm ở các khu vực dân cư còn phổ biến… Thực hiện Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, để giảm thiểu tình trạng chó, mèo thả rông cắn người, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm do bị chó, mèo nghi dại cắn, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của các Cơ quan Trung ương và UBND tỉnh, như: Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023, Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại; Chỉ thị số 1296/CTBNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 -2030; Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 27/11/2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024.
Riêng ngành tế: Chỉ đạo các địa phương, đơn vị duy trì phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương cùng cấp để thông báo, chia sẻ kịp thời thông tin về bệnh Dại (người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng tại cơ sở y tế) cho cơ quan thú y địa phương để giám sát, phòng chống bệnh Dại trên động vật. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, ban hành tài liệu, tờ rơi... hướng dẫn công tác phòng, chống, theo dõi, điều trị dự phòng bệnh Dại.
Kim Thoa