Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực; nhiều hoạt động bảo đảm ATTP đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, từng bước đưa công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp.

Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực; nhiều hoạt động bảo đảm ATTP đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, từng bước đưa công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp. Tình hình ngộ độc thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Tại tỉnh Ninh Bình, theo ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm làm 45 người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là mùa nắng nóng và mùa mưa, lũ; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nội dung sau:

          Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Thông báo số 684/TB-BYT ngày 04/6/2024 của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Trong đó nhấn mạnh nội dung: Người đứng đầu các cấp, các đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

          Riêng đối với Sở Y tế: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp lựa chọn, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín; cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lũ trên địa bàn và chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin và các chất sát khuẩn của ngành y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào đối tượng là các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các công ty, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện,... kiên quyết xử lý nghiêm và công khai các cơ sở có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

          Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân; đồng thời phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm; yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi quay trở lại hoạt động; điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định nguyên nhân và thực hiện truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm.

          Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện; tổng hợp kết quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Diệu Thúy