Thực hiện Quyết định số 337/QĐ-SYT ngày 21/07/2025 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nình Bình về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo ứng phó với cơn bão số 3; Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh được thông suốt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Đoàn kiểm tra số 2 của Sở Y tế Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó của các đơn vị y tế trên địa bàn phường Nam Định.

Đồng chí Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trường đoàn trong buổi làm việc với đồng chí Hoàng Văn Chiến –  Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu

Theo đó, Đoàn kiểm tra số 2 do đồng chí Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn, cùng với các thành viên trong đoàn đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại các trung tâm y tế: Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, Bệnh viện Tâm thần Nam Định và Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Định.

Các đơn vị đã chủ động phương án phòng, lụt bão tại đơn vị. Chuẩn bị phòng điều trị bệnh nhân an toàn, đảm bảo cơ sở thuốc, trang thiết bị cấp cứu bệnh nhân tại nội và ngoại viện; thực hiện tốt công tác gia cố buồng bệnh; đáp ứng đủ đầy đủ công tác điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Các đơn vị cũng chủ động phương án nhiều kíp trực 24/24 tại nội viện và ngoại viện; cấp cứu kịp thời người bị thương, bị nạn. 

Các trung tâm y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt tại trung tâm và các trạm y tế xã. Đảm bảo vật tư, trang thiết bị, cơ số thuốc, hóa chất phục vụ trước và sau bão. Chỉ đạo các trạm y tế chủ động gia cố, bảo quản trang thiết bị tại trạm. Thường xuyên báo cáo thông tin liên tục cho trung tâm về công tác lụt bão.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức trực lãnh đạo, chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; Rà soát người bệnh đang điều trị tại đơn vị, tăng cường hoạt động kê đơn thuốc, điều trị ngoại trú cho người bệnh, hạn chế chỉ định nhập viện nội trú (trừ trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh diễn biến phức tạp,…); Chủ động sơ tán người bệnh và các trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các tòa nhà kiên cố có khả năng chịu được tác động mạnh của bão; chuyển người bệnh nặng, phương tiện máy thở và phương tiện hồi sức cấp cứu khác lên tầng cao tránh ngập lụt; Chuẩn bị máy phát điện dự phòng và cơ số nhiên liệu để duy trì nguồn điện dự phòng trong thời gian bị cắt điện và sau bão, chuẩn bị các phương án để máy phát điện dự phòng được an toàn không bị ngập lụt ngừng hoạt động hoặc các phương án máy phát điện dự phòng cơ động thay thế.

Các đơn vị y tế cơ sở đảm bảo phối hợp toàn diện trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân. Rà soát, tổng hợp danh sách các trường hợp sản phụ trên địa bàn, người mắc bệnh nặng đang theo dõi tại nhà để có phương án tư vấn, bố trí sắp xếp theo dõi tại các điểm đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế phù hợp, an toàn./.

Tin, ảnh: Minh Đức