Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng nóng dưới đây.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch… 

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng như sau:

Không hoạt động liên tục giữa 2 môi trường quá chênh lệch nhiệt độ

Theo các bác sĩ, trong những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra ngoài (hoặc từ ngoài môi trường nóng bước vào phòng điều hòa) cần có một khoảng thời gian giúp cơ thể thích nghi, không nên vội bước từ nhà ra ngoài ngay lập tức.

Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích ứng với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng,…

Chọn quần áo đúng cách

Những ngày nắng nóng, khi ra đường bạn nên sử dụng quần áo sáng màu vì chúng ít hấp thụ nhiệt và khiến bạn cảm thấy mát mẻ hơn. Đăc biệt, khi nắng lên đỉnh điểm (12h - 16h), không nên ở ngoài trời quá lâu, nếu phải ra ngoài cần trang bị mũ nón, kính, áo chống nắng dày dặn để che nắng.

Tránh uống nước đá lạnh

Nhiệt độ nước đá lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ trung tâm cơ thể bạn. Uống nước lạnh có thể dẫn tới viêm họng, khiến cơ thể mệt mỏi hơn và có thể gây ra chứng co rút ruột.

Thay vào đó, hãy uống nhiều nước lọc, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, cần bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol,…

Dùng kem chống nắng

Bôi kem chống nắng kịp thời và đúng liều lượng (2 giờ/lần) sẽ làm da bạn luôn mềm mại và tươi tắn trong nắng hè. Tuy nhiên, chúng ta thường mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng chỉ số cao sẽ được bảo vệ lâu và tốt hơn mà không biết rằng da đang bị tổn thương.

Vì vậy, nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF thích hợp, có thể chống tia UV. Đồng thời, tránh bôi lớp kem dày, kem thừa không thẩm thấu kịp sẽ gây dị ứng da.

Dùng xịt khoáng

Xịt khoáng được biết đến như một sản phẩm cấp nước cấp ẩm cho da vô cùng hiệu quả, giúp giảm tiết dầu hiệu quả,giữ lớp trang điểm lâu hơn.

Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, nếu làn da hay tinh thần của bạn có dấu hiệu mệt mỏi, dùng xịt khoáng sẽ giúp bạn cảm thấy sảng khoái tinh thần và làn da trở nên tươi mát hơn.

Tránh xa ánh nắng

Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất. 

Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt… 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:    

Người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. 
Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 

Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy); loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng...

Thu Trang (tổng hợp)