Là 1 trong số những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Là 1 trong số những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, những năm qua công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả vận hành và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

          Đến nay, 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, vận hành ổn định, an toàn, thông xuốt.  100% các đơn vị trực thuộc đã được triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOfice và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị. 100% các cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin”  trên hệ thống phần mềm tiêm chủng.

 Các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện liên thông giấy khám sức khỏe lái xe đảm bảo thời gian quy định, không còn tình trạng liên thông quá hạn. 10/14 cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông thành công 1.923 Giấy khám sức khỏe lái xe.    

           Tính đến ngày 09/5/2023 đã có 10/17 cơ sở khám chữa bệnh công lập đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị đã tích cực chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính đã triển khai ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc thực hiện chuyển đổi số và không dùng tiền mặt còn gặp những tồn tại, khó khăn :

           Trong thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám, chữa bệnh:  Phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, một bệnh nhân có thể phát sinh nhiều hơn một giao dịch, các đơn vị khám chữa bệnh đang phải trả chi phí giao dịch này, trong khi chi phí này chưa được đưa vào chi phí khám chữa bệnh; Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa được đồng bộ hết trong cả quy trình khám, chữa bệnh với các hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện hiện có tại các đơn vị. Tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp. Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên chiếm số lượng lớn nên việc tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều khó khăn. Người dân vẫn dữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt, đặc biệt với những người trung niên, cao tuổi do không thể kiểm soát được những vẫn đề phát sinh khi sử dụng thẻ để thanh toán (bảo mật thông tin, thao tác khi thanh toán, kiểm soát lượng tiền còn lại trong thẻ sau khi thanh toán, nhớ mật khẩu thẻ...)

            Trong liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe và triển khai khám chữa bệnh( KCB) BHYT bằng CCCD gắn chíp trên địa bàn tỉnh: Việc nhập dữ liệu trên cổng giám định BHYT trong quá trình thực hiện nhiều khi cổng dữ liệu chậm không kịp cập nhật dữ liệu nên thời gian nhập liệu kéo dài. Trên cổng giám định BHYT chưa cho chọn nhiều hạng bằng trong 1 lần nhập dữ liệu. Ví dụ: đối với những người KSK 1 tờ để đổi 2 hạng bằng như A1+B2; Chưa xuất được báo cáo danh sách khám sức khỏe lái xe theo giai đoạn để thống kê, tổng hợp. Cổng giám định BHYT chưa tự động nhảy số giấy khám sức khỏe theo đúng hướng dẫn, hiện tại cơ sở KCB vẫn phải nhập thủ công.

           Thời gian tới, để thực hiện chuyển đổi số và không dùng tiền mặt đạt hiệu quả cao, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt đến mọi người dân, qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng số, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

 Nguyễn Minh