1. Thông tin về chủ đề:
Sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Mỗi năm trên toàn thế giới hơn 8 triệu ca tử vong, trong đó có khoảng 1,3 triệu ca tử vong là do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động .
Tại Việt Nam, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử mỗi năm. Trong đó 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng nghiệm trọng và ngày càng gia tăng về bệnh tật và tử vong sớm, cũng như chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính là 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh: Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2025 là dịp để phơi bày các cách thức mà các tập đoàn thuốc lá trên thế giới sử dụng để quảng bá, tiếp thị các sản phẩm gây nghiện cũng như chỉ rõ các chiêu thức quảng cáo sai sự thật, lừa dối mọi người, làm cho các sản phẩm thuốc lá trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Nicotine và các sản phẩm thuốc lá gây nghiện rất nguy hiểm cho sức khỏe nhưng luôn được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới tìm cách để thu hút mọi người sử dụng. Không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào và không có mức độ tiếp xúc nào đối với thuốc lá được coi là an toàn cho sức khoẻ bao gồm cả thuốc lào, xì gà, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá tự cuốn, thuốc lá tẩu và các sản phẩm thuốc lá không khói. Thuốc lá, thuốc lá mới và các sản phẩm chứa nicotin rất có hại cho sức khỏe thậm chí gây tử vong cho cả người hút và người không hút nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển não bộ
Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn.
2. Thực trạng sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) trong thanh thiếu niên toàn cầu
Trên toàn cầu ước tính có 37 triệu trẻ em trong độ tuổi 13–15 sử dụng thuốc lá. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã cao hơn tỷ lệ sử dụng ở người trưởng thành.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu của nam giới trưởng thành tại Việt Nam đang tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (41,1% - điều tra STEPS - WHO 2021). Đối với thuốc lá điện tử, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) năm 2015 là 0,2% (GATS 2015), năm 2020 là 3,6% (PGATS 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 (7,3%) sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (PGATS 2020)
3. Một số bằng chứng về các tuyên bố gây hiều lầm về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của các tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu
Trên toàn cầu, ngành công nghiệp thuốc lá bán hàng nghìn tỷ điếu thuốc lá mỗi năm. Ngoài thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và túi nicotine. được các công ty quảng bá với tên gọi là "sản phẩm giảm hại". Điều này đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiểu lầm rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có hại, không gây nghiện.
Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm gây nhầm lẫn, một số tổ chức liên minh với các tập đoàn thuốc lá có tên gọi của tổ chức giống như tên của các tổ chức hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, cụ thể như: “Tổ chức Hành động toàn cầu chấm dứt hút thuốc lá”, “Quỹ xóa bỏ lao động trẻ em trong trồng thuốc lá”, “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc” của Tập đoàn Philip Morris nhưng thực chất các quỹ này có sự liên kết chặt chẽ với các công ty thuốc lá. Về hoạt động của “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc”. Tổ chức Y tế thế giới nêu rõ quan điểm của rằng đây là quỹ do Tập đoàn Philip Morris tài trợ, có mâu thuẫnvề lợi ích với công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị các nước và các cán bộ y tế không hợp tác với “Quỹ vì một thế giới không khói thuốc” của Tập đoàn Philip Morris.
Một số tuyên bố của các tập đoàn thuốc lá gây hiểu lầm và sự thật:
3.1. Tuyên bố: “Ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng”.
Sự thật: Ngành công nghiệp thuốc lá có lịch sử lâu đời trong việc tạo ra các tranh luận về hút thuốc và sức khỏe để bác bỏ hoặc làm giảm giá trị của các nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá. Trước đây, các nghiên cứu của họ tập trung vào phủ nhận tác hại của thuốc lá. Gần đây khi nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đã được nâng cao, ngành công nghiệp thuốc lá đã chuyển sang quảng bá các sản phẩm mới như là một giải pháp thay thế "an toàn hơn" để tiếp tục thu hút người dùng. Các bằng chứng từ các nghiên cứu do các tập đoàn thuốc lá cung cấp thường do chính các công ty thuốc lá tài trợ, không đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
3.2. Tuyên bố: Các công ty thuốc lá đang tuân thủ các quy định cấm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm
Sự thật: Các tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu sử dụng nhiều chiến lược quảng bá, tiếp thị tinh vi, chủ yếu nhằm vào thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, tài trợ cho các hoạt động thể thao như đua xe, bóng đá...
Đã có các vụ kiện ngành công nghiệp thuốc lá, ví dụ như vào tháng 2 năm 2025, cơ quan tư pháp bang New York (Hoa Kỳ) đã đệ trình đơn kiện 13 nhà sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử vì đã tiếp tay nhằm thúc đẩy “đại dịch” thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên.
3.3. Tuyên bố: Ngành công nghiệp thuốc lá đã thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cho cộng đồng
Sự thật: Ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) với mục đích gây dựng hình ảnh để quảng bá, nhằm che đậy các tác động tiêu cực, bình thường hoá sản phẩm gây nghiện để thu hút người sử dụng.
3.4. Tuyên bố: Ủng hộ Chính phủ các nước trong phòng chống tác hại thuốc lá
Sự thật: trên thế giới, ngành công nghiệp thuốc lá có lịch sử lâu dài về việc thực hiện hành động pháp lý chống lại hoạt động PCTH thuốc lá. Họ luôn tạo ra những vụ kiện tụng, hoặc đe dọa kiện tụng hoặc tác động đến quá trình xây dựng chính sách nhằm trì hoãn việc ban hành hoặc làm suy yếu chính sách về PCTH thuốc lá
3.5. Tuyên bố: sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS) chỉ dành cho người lớn và giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường
Sự thật: các sản phẩm thuốc lá mới đang nhằm vào giới trẻ. Báo cáo phân tích mới đây của Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP) cho thấy công ty Philip Morris Japan (PMJ) đã lập kế hoạch nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi của cộng đồng đối với IQOS (một sản phẩm thuốc lá nung nóng), trong đó bao gồm cả giới trẻ và thậm chí là học sinh chứ không chỉ nhắm tới những người trưởng thành đang hút thuốc.
Philip Morris quảng bá IQOS như một sản phẩm mang phong cách sống đầy khát vọng. Chiến lược tiếp thị này khiến các sản phẩm gây nghiện mới đã nhanh chóng đến tay những người chưa từng hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên, làm cho tỷ lệ sử dụng tăng nhanh trong học sinh. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng TLĐT. Tại Hàn Quốc, sau 01 năm thuốc lá nung nóng được giới thiệu trên thị trường, đã có 2,8% thanh thiếu niên trung học cơ sở và trung học phổ thông đã sử dụng sản phẩm này.
Các sản phẩm thuốc lá mới không phải là sản phẩm giảm hại. Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (DFA) chỉ xác nhận IQOS là sản phẩm giảm mức độ tiếp xúc với một số chất trong sản phẩm, không xác nhận đây là sản phẩm giúp giảm nguy cơ về sức khỏe, không công nhận thuốc lá nung nóng là sản phẩm an toàn cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Việc các công ty thuốc lá khuyến khích người nghiện thuốc lá điếu chuyển sang hút thuốc lá nung nóng để giảm hại là không có cơ sở khoa học. Thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá điếu thông thường. Không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác, đồng thời tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ). Bằng chứng từ các nước cho thấy việc người hút thuốc lá điếu chuyển sang thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.
4. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia
- Thúc đẩy thực thi Điều 5.3 của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO để bảo vệ các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo của ngành công nghiệp thuốc lá; Kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc xây dựng các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Không hợp tác, không nhận tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá dưới mọi hình thức.
- Thực hiện các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm:
+ Tăng thuế thuốc lá với mức đủ lớn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người và hướng tới mức thuế chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
+ Thực hiện môi trường không thuốc lá.
+ Thực thi cấm toàn diện quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện giải trí; giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo tại các điểm bán lẻ, trên các nền tảng xã hội hoặc trực tiếp trong trường học.
+ Tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì các sản phẩm thuốc lá.
+ Lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.
+ Thực thi nghiêm qui định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.