Cùng với việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến nghị tạm thời về công tác phòng chống Covid-19.

Theo đó, các nước cần duy trì năng lực quốc gia đã đạt được và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai, xem xét cách nâng cao khả năng sẵn sàng của quốc gia đối với các đợt bùng phát trong tương lai. Các quốc gia cần cập nhật kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp trên cơ sở các bài học đánh giá sau hành động cấp quốc gia và cấp địa phương. Đáng lưu ý, các quốc gia cần tiếp tục khôi phục các chương trình y tế đã bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid-19; khả năng sẵn sàng khi có các mối đe dọa mới nổi.

WHO cũng đề nghị các nước tiếp tục hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức để tăng khả năng tiếp cận vắc xin, đồng thời tập hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, từ đó cho phép đánh giá diễn biến các tình huống dịch, đồng thời duy trì báo cáo dữ liệu về tỷ lệ tử vong và bệnh tật cũng như thông tin giám sát biến thể cho WHO.

Đáng lưu ý, việc giám sát cần kết hợp thông tin từ các quần thể trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát nước thải của con người, giám sát huyết thanh học và giám sát các quần thể động vật được lựa chọn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.

Các quốc gia thành viên cần tận dụng hệ thống giám sát và ứng phó bệnh cúm toàn cầu, cũng như hỗ trợ thành lập mạng lưới phòng xét nghiệm vi rút corona toàn cầu của WHO. Bên cạnh đó, giám sát sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19; chuẩn bị các biện pháp đối phó y tế để đảm bảo khả năng sẵn có và cung cấp lâu dài cũng như cần có chính sách hỗ trợ quy trình cấp phép và sử dụng lâu dài vắc xin, công cụ chẩn đoán và điều trị.

Về cách ly điều trị ca bệnh Covid-19, WHO đã có khuyến nghị giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân Covid-19. Với bệnh nhân có triệu chứng, hướng dẫn mới của WHO là cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng (trước đây WHO khuyến nghị cách ly 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng và ít nhất 3 ngày kể từ khi hết triệu chứng). Đối với những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì, WHO khuyến cáo cách ly 5 ngày (khuyến cáo trước đây của WHO là 10 ngày). Bệnh nhân được kết thúc cách ly sớm hơn nếu có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh dựa trên kháng nguyên.

Với phòng chống dịch, khẩu trang tiếp tục là công cụ quan trọng chống Covid-19. Trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên tình hình dịch bệnh tại chỗ. Theo khuyến nghị mới của WHO, nên sử dụng khẩu trang trong các tình huống cụ thể mà không phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại chỗ. Các tình huống cụ thể là: người mới bị nhiễm, có nguy cơ cao bị Covid-19 nặng, ở trong không gian kín, ít thông gió và đông người. Ngoài ra, như trước đây, WHO khuyến nghị sử dụng khẩu trang dựa trên đánh giá rủi ro liên quan tới chiều hướng của dịch bệnh, tình trạng nhập viện do Covid-19 gia tăng, độ bao phủ vắc xin, miễn dịch cộng đồng và môi trường xung quanh.

KT