Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong năm 2020 - 2022...

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong năm 2020 - 2022 với sự đồng lòng của tập thể Ban giám đốc, các khoa phòng của đơn vị; các đơn vị y tê dự phòng tuyến huyện, thành phố ...đã vượt qua khó khăn chung tay cùng hệ thống y tế dự phòng tỉnh nhà hoàn thành các nhiệm vụ kiểm soát bệnh tật. Cuộc trao đổi giữa phóng viên với Thạc sỹ Lê Hoàng Nam - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm rõ hơn về những kết quả đạt được của đơn vị :

Phóng viên: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã có những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vậy những kết quả nổi bật của đơn vị trong những năm qua (2020 -2022) là gì, thưa ông ?

Ths. Lê Hoàng Nam – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình hình thành trên cơ sở cơ sở hợp nhất Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Truyền thông GDSK, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trở thành một đơn vị thống nhất, có vị trí quan trọng trong hệ thống y tế tỉnh nhà. Những ngày đầu mới đi vào hoạt động Trung tâm đứng trước những bộn bề khó khăn từ việc tổ chức nhân sự đến sắp xếp lại các khoa phòng, ổn định và duy trì tốt công tác chuyên môn của các chương trình y tế thuộc lĩnh vực quản lý.

 Khắc phục mọi khó khăn những ngày đầu sáp nhập, bằng sự đoàn kết, đồng lòng của Ban giám đốc và tập thể viên chức, người lao động, các khoa, phòng của Trung tâm từng bước kiện toàn tổ chức; nhân lực được bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, yêu cầu của vị trí việc; xây dựng các nội quy, quy chế, quy định hoạt động của đơn vị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, nhân lực hiện có, duy trì tốt thường các chương trình, dự án ; hỗ trợ, chỉ đạo công tác chuyên môn về y tế dự phòng cho trung tâm y tế các huyện, thành phố; Xây dựng một môi trường y tế chuyên môn cao, chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp và nhân dân trong tỉnh.

Vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch

  Trải qua các giai đoạn chống dịch, từ lúc chưa có ca bệnh, tới khi dịch bệnh xuất hiện, lây lan mạnh và khi tình hình trở lại ổn định, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn phát huy vai trò là đơn vị y tế dự phòng tuyến đầu của tỉnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn để tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh ban hành nhiều quyết sách, giải pháp kịp thời nhằm thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch  ứng phó với các cấp độ của dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch.             Xuyên suốt quá trình chống dịch, đơn vị đã thành lập và duy trì 03 đội đáp ứng nhanh luôn sẵn sàng có mặt ở các điểm nóng, vùng tâm dịch, chủ động tổ chức truy vết thần tốc, cách ly triệt để, đồng thời xác định khu vực cần áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội chính xác. Hỗ trợ các địa phương trong việc lấy mẫu xét nghiệm, giám sát, điều tra ca bệnh, khử khuẩn môi trường…

Công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 luôn được đơn vị chú trọng, thường xuyên đổi mới cách làm và hình thức triển khai phù hợp với thực tế, nhằm đưa những thông tin chỉ đạo, các quy định mới của Bộ Y tế, của tỉnh đến với người dân nhanh nhất; hướng dẫn, vận động nêu cao tinh thần chủ động của mỗi cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đầu năm 2022 Trung tâm lập fanpage “ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình” với  hơn 11.000 người theo dõi.

Xác định tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh, đơn vị đặc biệt chú trọng, triển khai quyết liệt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Công tác tham mưu được triển khai nhanh chóng, đầy đủ; hoạt động  tiếp nhận, bảo quản và bàn giao vắc xin cho các đơn vị trong toàn tỉnh, việc triển khai các bàn tiêm tại đơn vị luôn được đảm bảo an toàn và đúng quy định, hoạt động giám sát công tác tiêm chủng vắc xin tại các điểm tiêm được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2022, Ninh Bình được đánh giá và biểu dương là một trong 7 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao, tất cả các mũi tiêm cho các nhóm đối tượng đều đạt trên 80%, qua đó tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần làm thay đổi mô hình diễn biến của bệnh COVID-19. Và tính đến 30/6/2023, tỷ lệ tiêm chủng các mũi tiêm ở đa phần các nhóm của tỉnh đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Sau gần 3 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, cơ bản tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới. Sau khi sáp nhập, có lẽ đây là thử thách chông gai nhất đối với tập thể ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng cũng như mỗi cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Với sự đoàn kết, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, những cán bộ của Trung tâm đã ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng vào kết quả cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của tỉnh nhà.

Nỗ lực phát triển

Với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, cùng với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, trong 3 năm qua, dù có giai đoạn phải tập trung toàn lực để phòng chống dịch bệnh, Trung tâm KSBT vẫn tổ chức duy trì các hoạt động, chương trình y tế dự phòng do đơn vị quản lý, thực hiện. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; phòng chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, từ dự phòng đến chăm sóc điều trị. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được chỉ đạo thực hiện sát sao ngay từ tuyến cơ sở. Chính vì vậy các chương trình đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Song hành cùng các hoạt động động của chính quyền, tổ chức đảng, tổ chức Công đoàn luôn sát cánh cùng chính quyền làm tốt nhiệm vụ chăm lo cho đời sống của viên chức và người lao động, đặc biệt là trong việc thực hiện chế độ, chính sách về tiền lương, BHXH, khen thưởng, kỷ luật, hưởng ứng các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ đoàn viên khó khăn trong lúc ốm đau, bệnh tật hay vào những dịp lễ, Tết.  Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn thanh niên với vai trò tập hợp thanh niên triển khai các hoạt động tình nguyện, xã hội. Các tổ chức đảng, đoàn thể của đơn vị đã phát động các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… các hoạt động giao lưu, thể thao, văn hóa văn nghệ, tạo không khí phấn khởi và tạo động lực để mỗi cá nhân yên tâm công tác và cống hiến. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đều có từ 10-15 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận và áp dụng hiệu quả vào thực tế công việc. Trong năm 2022: Trung tâm đã duy trì thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch tại các huyện, thành phố, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các ca bệnh truyền nhiễm; triển khai, báo cáo tình hình dịch bệnh, chủ động chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời;

Tiêm chủng mở rộng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Chương trình được thực hiện đồng loạt trên tại các địa phương. Số trẻ em được tiêm chủng đầy đủ là 14.781/15.615 trẻ (đạt tỷ lệ 90%), số phụ nữ có thai được tiêm AT2+ là 15.028/15.778 đối tượng (đạt tỷ lệ 95%). Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu ước đạt 80%. Duy trì báo cáo trên phần mềm hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia từ tuyến xã đến tuyến tỉnh;

  Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phòng chống bệnh không lây nhiễm cũng được Trung tâm chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ người bị bệnh đái tháo đường được quản lý đạt 58,2%, tỷ lệ người tăng huyết áp được quản lý đạt 23,5%, tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm đạt 45,5%;

Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm phát hiện, điều trị HIV/AIDS, truyền thông thay đổi hành vi .... Lũy tích số người nhiễm HIV tính đến nay là 2.899 người, trong đó: số người nhiễm HIV còn sống 1.571 người (số người nhiễm HIV đang được điều trị 1.517, số người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa được điều trị 54), số trường hợp tử vong do AIDS là 1.328 người. Điều trị miễn phí thuốc ARV cho 1.475 người, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 827 người nghiện ma túy; tỷ lệ phụ nữ mang thai HIV (+) được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con đạt 100%.

 Ghi nhận những kết quả đạt được, trong những năm qua tập thể Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, và nhiều cá nhân đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Đặc biệt năm 2021, Trung tâm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua - Đây chính là phần thưởng xứng đáng ghi nhận sự cống hiến hết mình của tập thể, cá nhân theo từng giai đoạn phát triển của đơn vị và là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục công hiến tất cả vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và sự nghiệp y tế dự phòng nói riêng.

Phóng viên: Với quá trình giao lưu và hội nhập, để chủ động nắm bắt, kiểm soát tình hình dịch bệnh, Trung tâm đã triển khai các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường giám sát phòng dịch bệnh như nào?

Ths. Lê Hoàng Nam – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:  

Để nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường giám sát phòng dịch, hằng năm, Trung tâm đã tham mưu với Sở Y tế xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, phù hợp với từng thời điểm trong năm. Trong đó chú trọng đa dạng hóa các loại hình truyền thông cung cấp thông tin phòng dịch bệnh phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương bằng hình thức truyền thông tiếp tại cộng đồng, qua phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng xã hội zalo, facebook… đây được xem là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả truyền thông, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục y tế Ninh Bình, phối hợp với Báo Ninh Bình thực hiện mục sức khỏe y tế, đăng tin bài trên fanpage và trang thông tin điện tử của Trung tâm.

Hoạt động truyền thông tại cộng đồng: chúng tôi tổ chức các buổi truyền thông trực tiêp, lưu động, nói  chuyện chuyên đề với các nội nội dung về phòng, chống dịch bệnh.  Có thể nói, thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng thông điệp truyền thông, các khuyến cáo phòng bệnh để người dân nâng cao nhận thức, tránh lơ là, chủ quan và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó chúng tôi luôn đấu tranh quyết liệt với thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh.

Và thực tế đã chứng minh công tác truyền thông đã mang đến cho mọi người dân tại địa phương những thông tin chính xác, cụ thể về phòng chống dịch bênh, đặc biệt là về đại dịch COVID-19 như: Tính nguy hiểm, sự lây lan trong cộng đồng, cách phòng ngừa, hay các quyết định của chính quyền liên quan đến dịch bệnh… Mức độ thông tin liên tục, mạnh mẽ đã giúp cho mọi người nhận thức sâu sắc và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Phóng viên: Nhìn lại chặng đường hoạt động của Trung tâm KSBT tỉnh Ninh Bình,  xin ông cho biết đâu là những điểm đạt được, những suy nghĩ trăn trở để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn được tốt hơn?

Ths. Lê Hoàng Nam – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Những điểm đạt được trong những năm qua của Trung tâm KSBT tỉnh Ninh Bình tôi cũng đã chia sẻ cụ thể ở trên. Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi còn gặp những khó khăn:

Kinh phí phục vụ hoạt động y tế dự phòng nói chung và hoạt động phòng, chống dịch bệnh, HIV/AIDS, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống bệnh không lây nhiễm... còn hạn chế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch (ngoại trừ COVID-19); thiếu thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm chủ yếu được đầu tư từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất hạn chế và không ổn định. Thiếu kinh phí đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản; việc quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế còn gặp khó khăn do: thuốc sử dụng điều trị chưa đủ về chủng loại, số lượng; tuyến cơ sở thiếu máy móc, trang thiết bị phát hiện sớm các biến chứng…; nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát, xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng dịch như không khai báo khi mắc bệnh, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thường xuyên vệ sinh tay và vệ sinh môi trường, từ chối tiêm vắc xin… Còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS, bản thân những người bị nhiễm căn bệnh này còn mặc cảm, bi quan, chưa thật sự hòa nhập với cộng đồng; cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở còn chưa yên tâm công tác. Đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên tại cộng đồng thường xuyên biến động; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, trong khi một số dịch vụ về y tế dự phòng như tiêm chủng,... chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, giá dịch vụ còn cao.

 

 Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ nâng cao năng lực trong hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở, tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, phát huy tính chủ động, sáng tạo của toàn thể viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi./.

Nguyễn Minh