Thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 21/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 tỉnh Ninh Bình; Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ngành Y tế tỉnh Ninh Bình năm 2024.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu: Giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành so với trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2023; sẵn sàng ứng phó có hiệu quả và khống chế kịp thời với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cụ thể là: 100% các đơn vị trong toàn ngành xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại địa phương sát với tình hình thực tế. Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, giám sát chủ động, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến. Đáp ứng kịp thời, hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng; 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát, xử lý các loại dịch bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh. Củng cố lại hệ thống điều trị, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh; 100% cán bộ y tế làm công tác cấp cứu, điều trị các loại dịch bệnh được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi, các bệnh lấy truyền từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B, giang mai. Đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác. Nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp. Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch như truyền thông, chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động chống dịch tại địa phương. Đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Triển khai đồng bộ và duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện và quản lý thông tin tiêm chủng. ; 100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm theo quy định của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Theo đó, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về y tế dự phòng, y tế cơ sở theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẩn trương triển khai Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị và đề ra được các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp, kịp thời nhằm khoanh vùng, khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng. Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát: Thực hiện nghiêm Quy chế thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị điều trị và đơn vị làm công tác dự phòng để phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh: công tác thu dung, điều trị tại các đơn vị điều trị, công tác giám sát, điều tra xử lý dịch bệnh; việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, công tác y tế trường học, truyền thông tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị điều trị về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh có thể tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y và các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch.
Cùng với đó phối hợp liên ngành: Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin liên quan.., đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe: Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và các kênh truyền thông phù hợp như thông điệp, infographic, video, audio... trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet... Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nội dung truyền thông phải sát với thực tiễn, thường xuyên cập nhật điều chỉnh giúp cho mọi người, mọi nhà có đáp ứng phù hợp và hiệu quả. Xây dựng mô hình truyền thông số trong chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin về dịch bệnh và hoạt động giám sát đáp ứng giữa các tuyến. Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch trong các cơ sở điều trị. Tiếp tục tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường; duy trì thực hiện tốt phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo dõi, quản lý kịp thời các khủng hoảng truyền thông trong quá trình triển khai (nếu có). Chủ động cung cấp các thông tin khoa học, chính xác để phản bác, xử lý kịp thời, hiệu quả các tin đồn, tin giả, gây ảnh hưởng đến công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
Đối với công tác giám sát, xử lý dịch : Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh và kịp thời triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng và đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức giám sát dịch tễ thường quy và giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tại cộng đồng, đặc biệt chú ý giám sát tại các ổ dịch cũ và tại địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức bao vây khoanh vùng xử lí kịp thời và hiệu quả, đảm bảo không để dịch bệnh lan rộng. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh; kế hoạch giám sát trọng điểm (cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, viêm gan vi rút, viêm não Nhật Bản, dịch hạch) nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, vi khuẩn học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động; kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và các sự kiện chính trị xã hội, thiên tai, bão lụt. Xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa chủ động khi chưa có dịch xảy ra. Thường xuyên đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình dịch bệnh; Tăng cường và mở rộng triển khai giám sát dựa vào sự kiện (EBS) lồng ghép với hệ thống giám sát thường xuyên (giám sát dựa vào chỉ số). Thường xuyên giám sát dịch bệnh tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để kịp thời báo cáo, khoanh vùng, xử lý. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Thiết lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh tại các tuyến có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra. Đẩy mạnh công tác chủ động đáp ứng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, giám sát, thống kê số liệu dịch, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống dịch tại Ninh Bình, trong nước và quốc tế để phục vụ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời.
Trong công tác thu dung điều trị bệnh nhân: Rà soát, cập nhật, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường. Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, các đội cấp cứu lưu động tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm giảm đến mức tối đa số mắc và tử vong. Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm. Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân. Lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới. Xây dựng quy trình hội chẩn tuyến trên. Đảm bảo an toàn chuyển viện. Xây dựng các thông điệp truyền thông cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh. Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn hướng dẫn về những văn bản pháp luật trong công tác phòng chống dịch: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật... Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ y tế trong công tác chẩn đoán, điều trị, giám sát, xử lý ổ dịch, công tác truyền thông tại cộng đồng. Cập nhật các hướng dẫn, quy định mới để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện. Đẩy mạnh đào tạo và ứng dụng dịch tễ học thuộc chương trình dịch tễ học thực địa với mục tiêu tăng cường năng lực của y tế dự phòng trong tỉnh nhằm đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời các dịch bệnh, nhanh chóng kiểm soát bệnh dịch và giải quyết các vấn đề y tế công cộng góp phần nâng cao sức khỏe của người dân.
Trong công tác tiêm chủng phòng bệnh: Thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường trên phạm vi toàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo quy định. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; thường xuyên rà soát, đề xuất nhu cầu vắc xin sát thực tế, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu vắc xin cục bộ cũng như hủy vắc xin hết hạn. Quản lý chặt chẽ các cơ sở tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch, chủ động đi tiêm phòng các loại vắc xin không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn, đảm bảo tất cả cán bộ làm công tác tiêm chủng phải có đầy đủ kỹ năng theo quy định. - Ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng phần mềm vào việc quản lý đối tượng, lịch sử tiêm chủng và thống kê báo cáo tiêm chủng.
Phát triển hệ thống thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm: Tiếp tục triển khai việc thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm qua phần mềm báo cáo trực tuyến theo Thông tư 54/2015/TT-BYT tại các đơn vị y tế có liên quan; Thường xuyên cập nhật các phiên bản mới và hướng dẫn các đơn vị sử dụng phần mềm. Triển khai phần mềm hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại tất cả các đơn vị trong phạm vi hướng dẫn của Bộ Y tế để kịp thời nắm bắt và triển khai các hoạt động điều tra, xác minh, xử lý sự kiện y tế công cộng. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đóng trên địa bàn triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng việc thống kê, báo cáo theo quy định.
Khi chưa có dịch xảy ra: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người ở tất cả các cấp . Xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống dịch các cấp trình UBND cùng cấp phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế, các ngành liên quan trên địa bàn toàn tỉnh. Tập huấn nâng cao kiến thức và năng lực giám sát phát hiện ca bệnh, điều tra và xử lý ổ dịch, ca bệnh. Nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị và kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch bệnh. -Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ, tiêm chủng chiến dịch phòng bệnh truyền nhiễm. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát theo dõi tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh vào tỉnh Ninh Bình. Đẩy mạnh hoạt động giám sát dựa vào sự kiện để kịp thời phát hiện và xử trí các trường hợp bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Xây dựng phương án kinh phí để sẵn sàng đáp ứng cho các hoạt động phòng, chống dịch. Đảm bảo nhân lực, thuốc, trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Khi có dịch xảy ra: Nắm chắc thông tin dịch bệnh, tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Tham mưu và chỉ đạo kịp thời biện pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Điều tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, tổ chức khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo quy định, không để dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh gây ra. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh từ các địa phương lân cận và trên toàn quốc. Thiết lập đường dây nóng tại địa phương, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Công bố dịch trên phạm vi theo quy mô: xã, huyện, tỉnh đúng quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tổ chức thường trực dịch 24/24h đảm bảo nắm chắc diễn biến dịch bệnh một cách nhanh nhất, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tại địa phương. Các đội cơ động chống dịch thường trực sẵn lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Tổ chức các khu vực cách ly riêng, đặc thù đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời. Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
Khi hết dịch: Duy trì các hoạt động tiêu độc khử trùng, xử lý triệt để mầm bệnh trên người và môi trường. Điều trị phục hồi triệt để, chống biến chứng nặng, đề phòng tái nhiễm, tái bùng phát trên người và gia cầm, gia súc. Tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch. Công bố kết thúc dịch theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Diệu Thúy