Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) được tổ chức hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, góp phần nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ dàng lây lan trong cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu

Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 - 15 người khác. Trong chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng; phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn dưới 20/100.000 người dân mắc lao.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2025 “Việt Nam cam kết đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong đầu tư nguồn lực bền vững và hành động hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Tại Ninh Bình, thời gian qua Bệnh viện Phổi tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao. Đặc biệt, trong công tác Chỉ đạo tuyến, bệnh viện phân công cụ thể mỗi khoa, phòng phụ trách một huyện, thành phố. Các khoa, phòng đều có kế hoạch giám sát từng tháng, từng quý và sau mỗi quý bệnh viện đều có phản hồi lại với trung tâm y tế/bệnh viện các huyện, thành phố để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh lao được thực hiện hiệu quả và toàn diện. Kết quả, bệnh viện đã tổ chức khám sàng lọc chủ động lao, lao tiềm ẩn cho 17.500 người nghi lao tại 90 xã các huyện Kim Sơn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn và Thành phố Tam Điệp. Khám sàng lọc lao, lao tiềm ẩn cho trên 4.500 người thuộc các đối tượng như: người hút thuốc lá, người cao tuổi, tiểu đường, người nghèo… và 5.304 cán bộ và phạm nhân Trại giam Ninh Khánh, phát hiện 286 phim Xquang có tổn thương. Thực hiện 300 mẫu xét nghiệm Xpert (ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử hoàn toàn tự động, phát hiện lao trong vòng 2 tiếng ), trong đó có 16 mẫu có triệu chứng nghi lao, không kháng thuốc. Phát hiện và thu nhận điều trị 31 ca lao và 210 ca lao tiềm ẩn. Tổng số bệnh nhân lao thu nhận trong toàn tỉnh là 842 bệnh nhân (đạt 105%) chỉ tiêu kế hoạch năm. Công tác quản lý điều trị bệnh lao duy trì tỷ lệ điều trị thành công cao, bệnh nhân được quản lý điều trị tại y tế cơ sở theo hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Tỷ lệ điều trị thành công chung toàn tỉnh đạt 91,5%  (lô bệnh nhân điều trị cùng kỳ năm trước).

Trao đổi với bác sĩ Vũ Thị Bích Thảo, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh được biết: Để đảm bảo công tác phòng chống lao được hiệu quả, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh công tác khám sàng lọc phát hiện chủ động tại cộng đồng để chẩn đoán sớm bệnh lao, giảm nguồn lây trong cộng đồng đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao như trại giam, tạm giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, đối tượng nghiện hút, HIV... Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ bệnh lao, đào tạo nâng cao kiến thức về bệnh lao cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã, thôn bản. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động phòng chống lao tại các tuyến y tế. Phấn đấu đạt tỷ lệ khỏi trên 90%, đảm bảo đầy đủ thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh lao.

Phòng chống lao không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự chung tay của các cấp, ngành và bản thân mỗi người dân. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Bác sĩ Vũ Thị Bích Thảo khuyến cáo: Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao phổi có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống sau:

- Tiêm phòng bệnh lao phổi: Tiêm BCG được thực hiện cho trẻ em để phòng chống lao. Hiện nay, nhà nước đang thực hiện tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

- Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi dương tính.

- Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

- Người bệnh lao phổi tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người…

- Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.

- Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…

- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao.

- Hãy sàng lọc bệnh lao để kịp thời phát hiện và điều trị sớm tránh nguy cơ tử vong do lao./.

Thu Trang